Tổng thống đắc cử Joe Biden đã bắt đầu chấm dứt giai đoạn “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump và sẽ tái nhập thế giới. Ông Biden hầu như không mất thời gian trong việc xác định rằng, chính quyền mới sẽ cố gắng đối thoại với Iran về thỏa thuận hạt nhân, gia tăng cam kết đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nối lại quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tái cam kết sự tham gia của Mỹ vào Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Hữu hình hơn chiến lược xoay trục
Một phần trọng tâm khác của cách tiếp cận này là một chính sách châu Á được tiếp nối và làm mới, không chỉ là chiến lược xoay trục thời Barack Obama mà là thứ gì đó hữu hình hơn nhiều. Với Mỹ, Đông Nam Á là trọng tâm của một chính sách châu Á thành công và nổi bật. Tất nhiên, Trung Quốc vẫn trong quỹ đạo địa chính trị trung tâm của Mỹ và sẽ được coi là một đối thủ cạnh tranh chiến lược. Tuy nhiên, tôi chờ đợi được thấy một chính sách có sắc thái phát triển hơn, không chỉ đơn thuần miêu tả Trung Quốc là hung hăng, nguy hiểm.
Có một điều chắc chắn rằng, một quan hệ Mỹ-Trung ít biến động hơn sẽ tác động đến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn và cho phép đối thoại kênh 2 với các quốc gia Đông Nam Á về các vấn đề môi trường, bao gồm buôn bán động vật hoang dã ở các nước thành viên ASEAN. Rõ ràng rằng, chiến lược chính sách châu Á dưới thời ông Biden sẽ chịu tác động rất mạnh mẽ bởi các động thái của Trung Quốc. Chúng ta hãy chờ xem những gì sẽ xảy ra trong năm 2021.
Dù quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN đã tồn tại 5 năm, nhưng nó thường không tương xứng với bất kỳ chương trình hành động nào. Tôi rất trông chờ được thấy vào đầu năm 2021 những hành động cụ thể mà chắc chắn sẽ có lợi cho Việt Nam. Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm biện pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực biển và ủng hộ tiêu chuẩn, luật pháp quốc tế để xử lý các thách thức địa chính trị. Vì vậy, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải, và có thể thuyết phục các đồng minh, bao gồm Úc và Nhật Bản, cùng tham gia tập trận hải quân.
Đối phó mối nguy sức khỏe cộng đồng
Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN sẽ được mở rộng với các khoản đầu tư mới để giúp Việt Nam nâng cao năng lực ngành y và sẵn sàng hơn trong việc đối phó các mối nguy về sức khỏe cộng đồng. Chắc chắn rằng, Mỹ công nhận các biện pháp tuyệt vời mà Việt Nam đã áp dụng để kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Năm tới, Liên minh cải thiện chất lượng đào tạo y khoa và quản lý các bệnh mới nổi (IMPACT MED) của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) sẽ đưa ra các khoản đầu tư mới để giúp Việt Nam.
Điều thực sự quan trọng là tổng thống đắc cử Joe Biden muốn giành lại niềm tin của các đồng minh, bạn bè và đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama được rất nhiều người biết đến khi ông thăm Việt Nam.
Tôi mong ông Joe Biden cũng sẽ thể hiện tình cảm chân thành như vậy đối với Việt Nam. Tôi chắc chắn một điều rằng, ông ấy sẽ nhận lời mời thăm Hà Nội và thiết lập một nền ngoại giao không dựa vào mạng xã hội và sự ngoa ngôn lộng ngữ, mà dựa vào sự ổn định, cam kết và tham gia cùng ASEAN cũng như các diễn đàn khu vực khác.
(*) Quan điểm và dữ liệu trong bài là của ông Borton, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiền Phong.