Ông Đàm Minh Đức - Tổng Giám đốc CB - vừa có thư ngỏ gửi khách hàng của ngân hàng. Trong thư, ông Đức cho hay, sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB sẽ tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ và thực hiện bình thường các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định.
Mọi hợp đồng, cam kết, thoả thuận đã ký kết giữa CB và khách hàng, đối tác tiếp tục có hiệu lực. Qua đó, mọi nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, đối tác được đảm bảo.
Thư ngỏ lãnh đạo CB sau khi chuyển giao cho Vietcombank. |
Trong khi đó, bên nhận chuyển giao là Vietcombank cho hay, việc chuyển giao bắt buộc nhằm mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa CB dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.
Vietcombank cũng để ngỏ khả năng sẽ bán hoặc chuyển nhượng CB cho nhà đầu tư mới trong tương lai. Vietcombank cũng khẳng định sẽ không góp vốn vào CB trong thời gian CB còn lỗ lũy kế.
Tại OceanBank, sau khi chuyển giao bắt buộc về MB, nhà băng này khẳng định các quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng tại đây được đảm bảo theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật; các hoạt động dịch vụ của OceanBank được đảm bảo thông suốt, liên tục.
Sau khi tiếp nhận OceanBank, MB sẽ ưu tiên nguồn lực từ phát triển kinh doanh, nguồn vốn, công nghệ, nhân sự... để hỗ trợ thành viên mới vào tập đoàn.
Ngay sau lễ chuyển giao ngày 17/10, MB quyết định cử ông Lê Xuân Vũ, thành viên Ban điều hành MB là người đại diện MB, đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc thường trực của OceanBank.
Sau OceanBank và CB, một ngân hàng 0 đồng nữa là GPBank cũng sẽ được chuyển giao bắt buộc trong thời gian tới.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc gồm CB, OceanBank và, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và một ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á.