Lãnh đạo Mỹ - Hàn nhất trí về Triều Tiên nhưng thận trọng với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chụp ảnh với cựu binh Mỹ thời chiến tranh Triều Tiên Ralph Puckett Jr tại Nhà Trắng ngày 21/5. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chụp ảnh với cựu binh Mỹ thời chiến tranh Triều Tiên Ralph Puckett Jr tại Nhà Trắng ngày 21/5. (Ảnh: Reuters)
TPO - Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in thể hiện quan điểm thống nhất về vấn đề Triều Tiên nhưng thận trọng khi nhắc đến bất kỳ khác biệt nào liên quan đến Trung Quốc.

Ông Biden nói rằng ông sẵn sàng gặp ông Kim Jong Un nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết rằng “đó sẽ là cuộc thảo luận về kho vũ khí hạt nhân của ông ấy”.

Tổng thống Mỹ nói ông sẽ không đồng ý gặp trực tiếp chỉ để trao cho ông Kim “sự thừa nhận quốc tế”.

Dù khẳng định quan điểm cứng rắn với Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc tránh nhắc trực tiếp đến Trung Quốc trong cuộc họp báo chung vào tối cùng ngày. Trong tuyên bố đưa ra sau họp báo, hai nhà lãnh đạo nói rằng họ “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Ông Biden và ông Moon đồng ý “làm việc cùng nhau để tăng cường nguồn cung ứng chip toàn cầu cho ngành công nghiệp ô-tô” và hỗ trợ ngành sản xuất thiết bị bán dẫn ở cả hải nước thông qua tăng cường đầu tư lẫn nhau, cũng như hợp tác nghiên cứu và phát triển, tuyên bố chung khẳng định.

Ông Moon là lãnh đạo nước ngoài thứ hai được ông Biden tiếp đón trực tiếp ở Washington trên cương vị tổng thống. Trước đó là Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.

Cuộc họp báo chung diễn ra sau cuộc gặp riêng giữa hai nhà lãnh đạo và lễ trao Huân chương danh dự cho đại tá 94 tuổi Ralph Puckett Jr., người từng phục vụ trong chiến tranh Triều TIên. Ông Moon là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên từng tham dự một buổi lễ như vậy.

“Mục tiêu của chúng tôi vẫn là phi hạt nhân hoá hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi muốn đạt được những tiến triển thực tế, tăng cường an ninh cho Mỹ và các đồng minh”, ông Biden nói.

Tổng thống Mỹ cũng thông báo bổ nhiệm ông Sung Kim làm phái viên đặc biệt về Triều Tiên.

Khi còn là đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, ông Sung Kim đã dẫn đầu phái đoàn Mỹ tiến hành các cuộc đối thoại với các quan chức Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Tổng thống Moon hoan nghênh việc bổ nhiệm, nói rằng điều này phản ánh “cách tiếp cận thực tế và có điều chỉnh để theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên”.

Nhưng khi nói đến quan điểm về Trung Quốc, phát biểu của hai nhà lãnh đạo cho thấy Washington và Seoul vẫn chưa có chung quan điểm.

Ông Biden nói rằng ông và ông Moon đã bàn về “những vấn đề rất quan trọng đối với sự ổn định của khu vực, như duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông và duy trì hoà bình, ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Nhưng Tổng thống Moon không nhắc đến nội dung này. Khi được hỏi liệu chính quyền Biden có thúc ép ông phải có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan hay không, ông Moon nói: “Không có áp lực nào như vậy”.

“Đối với hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, chúng tôi đồng ý về tầm quan trọng của khu vực, đặc biệt khi tính đến những đặc điểm đặc biệt giữa Trung Quốc và Đài Loan. Chúng tôi mới chỉ quyết định sẽ làm việc gần gũi hơn về vấn đề này trong tương lai”, ông Moon nói.

Hai nhà lãnh đạo thông báo chương trình hợp tác về vắc-xin mà theo đó Hàn Quốc sẽ sản xuất các loại vắc-xin của Mỹ để tăng nguồn cung toàn cầu. Mỹ cũng sẽ giúp tiêm phòng cho 500.000 binh lính Hàn Quốc.

Về kinh doanh, hàng loạt dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Mỹ được ký kết trong dịp này.

“Như vậy là đủ cho hai bên tuyên bố đây là cuộc gặp thành công, dù họ chưa có một kết quả rõ ràng trong chính sách về Triều Tiên hay sự nhất trí hoàn toàn về Trung Quốc”, Sue Mi Terry, một nhà quan sát về Hàn Quốc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, nói với Nikkei Asia.

Ngày 20/5, Financial Times có bài viết dẫn các nguồn tin nắm được vấn đề nói rằng chính quyền Biden đã cố gắng thuyết phục ông Moon sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc trong tuyên bố chung sau cuộc gặp.

Nhưng ông Moon không nhắc đến Bộ Tứ, một liên minh không chính thức của Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ nhằm đối phó với Trung Quốc.

Dù chính quyền Biden muốn Hàn Quốc tham gia nhiều hơn vào Bộ Tứ, chính quyền Moon vẫn giữa khoảng cách với nhóm này và chỉ muốn tham gia một số hoạt động ở cấp làm việc.

Tuyên bố chung nói rằng Mỹ và Hàn Quốc thừa nhận “tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương mở, minh bạch và bao trùm ở khu vực, bao gồm Bộ Tứ”, nhưng không nhắc đến kế hoạch hành động cụ thể nào.

Nhà nghiên cứu Terry nhấn mạnh rằng có nhiều lý do Hàn Quốc “đi dây” giữa Mỹ và Trung Quốc. Một trong những lý do là Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, lớn hơn cả Mỹ và Nhật Bản cộng lại. Ngoài ra, Seoul vẫn chưa quên những biện pháp đáp trả trước đây của Trung Quốc khi Hàn Quốc đồng ý cho triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và thực tế là Hàn Quốc vẫn cần vai trò của Trung Quốc trong nỗ lực xử lý vấn đề Triều Tiên.

Theo Reuters, Nikkei
MỚI - NÓNG