> G8 sẽ bơm 20 tỷ USD cho Ai Cập, Tunisia
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) chào đón Tổng thống Pháp Francois Hollande tới Hội nghị G8 tại Trại David. Ảnh: PressTV. |
Hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nước công nghiệp G8 kết thúc với sự đồng thuận sẽ giảm bớt chính sách khắc khổ ở châu Âu, con đường mà lâu nay Thủ tướng Đức Angela Merkel cố sức thúc đẩy, kèm theo biện pháp kích thích theo kiểu Mỹ được nhìn nhận là có vai trò quan trọng trong việc chữa bệnh cho các nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro (gồm 17 thành viên) vốn đang ốm yếu.
“Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện các bước có thể để củng cố và khôi phục các nền kinh tế của chúng ta và chống lại những áp lực tài chính, dù biết rằng không thể áp dụng cùng biện pháp cho tất cả chúng ta,” các nhà lãnh đạo nói trong một tuyên bố đưa ra tại hội nghị diễn ra ở Trại David - khu nghỉ dưỡng của tổng thống Mỹ tại bang Maryland.
Thông điệp bao quát từ cuộc họp thượng đỉnh tại Mỹ phản ánh những điều đang quan tâm của Tổng thống Barack Obama rằng, tình trạng ốm yếu lây lan trong khu vực đồng euro không chỉ đe doạ tương lai của khối duy nhất trên thế giới sử dụng đồng tiền chung mà còn có thể làm tổn thương sự phục hồi mong manh của nền kinh tế Mỹ và cơ hội tái đắc cử của ông vào tháng 11 năm nay.
Tình trạng kinh tế và chính trị của Hy Lạp được nhấn mạnh trong chương trình hội nghị cùng với lo lắng về bất ổn ở Tây Ban Nha và Ý. Trong tuyên bố của hội nghị, các nhà lãnh đạo kêu nới lỏng sự thắt lưng buộc bụng mà Đức ủng hộ, và gọi đây là điều “cấp bách” để thúc đẩy tăng trưởng.
Để trấn an các nhà đầu tư, thông báo của nhóm G8 viết: “Chúng tôi tái khẳng định quyền lợi của chúng tôi trong việc giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro trong khi vẫn đảm bảo cam kết của mình”. Nhưng các nhà lãnh đạo không đưa ra liều thuốc cụ thể để kéo Athens ra khỏi cuộc khủng hoảng đang ngày càng tồi tệ.
Chung tay hạ giá dầu
Tuyên bố chung của G8 rất ít khi nêu cụ thể một nước nhỏ, nhưng bản tuyên bố lần này phản ánh nỗi lo rằng thế bí chính trị ở Hy Lạp sẽ khiến nước này rút khỏi liên minh tiền tệ gây ra những hệ quả khôn lường cho hệ thống tài chính và sự ổn định kinh tế toàn cầu.
Cử tri Hy Lạp vừa trừng phạt chính phủ vì đã đồng ý với những điều khoản khắc khổ trong kế hoạch cứu trợ quốc tế, khiến cuộc bầu cử tiếp theo bị hoãn tới ngày 17-6.
Tây Ban Nha vừa tiết lộ những khoản nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng khi nước này đang nỗ lực cắt giảm chi tiêu ngân sách trong bối cảnh suy thoái.
Bà Merkel, người ngày càng bị cô lập bởi những người ủng hộ chủ trương thúc đẩy tăng trưởng do Pháp đứng đầu, vẫn khẳng định quan điểm của mình. “Sự tăng trưởng và nền tài chính ổn định không thể tách rời nhau và không nên được đặt ở vị trí đối lập nhau”, bà nói.
Ông Obama, người lâu nay vẫn thúc giục châu Âu thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng như ở Mỹ, đã sử dụng bài phát biểu bế mạc để nhắc nhở các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro rằng, họ sẽ phải trả giá lớn nếu thất bại. “Tăng trưởng và việc làm nên là ưu tiên hàng đầu của chúng ta”, ông nói, và tái khẳng định châu Âu có khả năng vượt qua thách thức này.
Ông Marc Chandler, nhà chiến lược tiền tệ ở tổ chức ngân hàng và chứng khoán Brown Brothers Harriman, nói: “Điều rất có ý nghĩa là một nhóm có trọng lượng như G8 ủng hộ Hy Lạp và củng cố ý tưởng rằng châu Âu cần một liên minh mạnh hơn”.
Giá dầu thô đã giảm 10% trong tháng qua. Các nhà lãnh đạo G8 gây áp lực với Iran về chương trình hạt nhân mà họ nghi ngờ là mang mục đích quân sự bằng cách đồng ý sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt toàn diện lên Tehran và sẽ bắt tay cùng nhau để hạ giá dầu nếu cần thiết.
Sau các cuộc hội đàm ở Trại David, ông Obama và nhiều nhà lãnh đạo G8 về quê nhà của Tổng thống Mỹ ở Chicago - nơi ông Obama tổ chức hội nghị kéo dài 2 ngày của khối NATO với chủ đề trọng tâm là cuộc chiến ở Afghanistan.
NATO chuẩn bị chuyển giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các lực lượng Afghanistan vào cuối năm 2014. Một số thành viên NATO đã cam kết cung cấp viện trợ để giúp các lực lượng Afghanistan tự đối phó Taliban.
Gia Tùng tổng hợp