Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), đến nay cả nước đã có gần 18,8 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 85%), tăng 2% so với năm 2014. Bên cạnh đó đã có 71 nghìn làng, tổ dân phố và hơn 50 nghìn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận là văn hóa…
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cũng thẳng thắn thừa nhận, ở một vài nơi vẫn còn tình trạng chạy theo hình thức, chạy đua thành tích dẫn đến số lượng cơ sở đạt danh hiệu văn hóa cao nhưng chất lượng của phong trào lại quá thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội ngày càng tăng, xuống cấp về đạo đức gia đình, xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định, xã hội hiện nay đang rất bức xúc vì đạo đức xuống cấp. Sự xuống cấp đó thể hiện từ nhà ra ngoài đường, từ xã hội cho đến cơ quan. “Là văn hóa mà tại sao người dân trồng rau bẩn mà hàng xóm, bí thư chi bộ, hội phụ nữ, hội nông dân không biết”, ông Đam nói và đề nghị Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu, lựa chọn 5 - 6 nhiệm vụ để làm đến nơi, đến chốn và tạo ra sự thay đổi.
Một số ý kiến cũng cho rằng, đối với văn hóa thì không được phép chạy theo thành tích. Không thể để xảy ra tình trạng làng văn hóa nhưng vẫn còn mê tín dị đoan, còn sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Ban Chỉ đạo rà soát lại tất cả các tiêu chí về gia đình văn hóa, làng bản văn hóa và cơ quan văn hóa. Bên cạnh đó cần phải xây dựng tiêu chí hết sức cụ thể để khắc phục được bệnh thành tích.
Phó Thủ tướng gợi ý, năm tới sẽ chọn một số phong trào cụ thể, trong đó tập trung vào những vấn đề xã hội đang bức xúc. “Năm tới dứt khoát phải đẩy mạnh phong trào an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Đồng thời phải đảm bảo các phong trào đó là thực chất, chứ không được hình thức”, ông Đam đề nghị.