Làng Văn hóa các dân tộc: Không sớm có đầu tư, bảo dưỡng nhà sẽ sập

TPO - Đó là lời khẳng định của ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (LVHDLCDTVN)  với phóng viên Tiền Phong khi được hỏi về các vấn đề chồng chéo liên quan đến việc xuống cấp đang tồn tại ở đây.

Ông Trịnh Ngọc Chung cho biết: “LVHDLCDTVN có một đặc thù khác so với các nước trên thế giới. Nước ngoài họ chỉ làm mô phỏng các công trình bằng bê tông, cốt thép chứ không làm thật như chúng ta. 

Các làng ở đây đều có đầy đủ hồ sơ là làm theo nhà của ông bà nào, ở làng nào, xã nào, huyện nào, nó là phiên bản 1:1 kể cả chất liệu, chúng tôi tôn trọng điều ấy nhưng nó lại rất dễ xuống cấp và nếu không có hình thức bảo trì, bảo dưỡng hàng năm thì sẽ hư hỏng.

Những công trình đó nếu 3 – 4 năm nữa không có nguồn vốn đầu tư hoặc ngân sách bảo dưỡng thì chắc chắn nhà sẽ sập mà hiện tại thì một vài nhà cũng đang trong tình trạng nguy hiểm, nhất là nhiều khu làng dân tộc không có người ở.

Làng Văn hóa các dân tộc: Không sớm có đầu tư, bảo dưỡng nhà sẽ sập ảnh 1 Cột nhà của dân tộc Sán Chay bị mối, mục nghiêm trọng.
 Hiện nay, làng có 2 nguồn ngân sách, đó là từ nhà nước cho việc bảo dưỡng hàng năm nhưng rất hạn chế nên chúng tôi chỉ “giật gấu, bá vai”, chỗ nào hỏng thì sửa chứ không thể bảo trì mang tính hệ thống được. Còn nguồn thứ hai là từ bán vé, như năm 2018 là 10 tỉ và đây không phải con số nhiều khi có đến 54 làng phải bảo trì, vì vậy việc xuống cấp là chuyện đương nhiên, chúng tôi cũng xót lắm nhưng không biết làm thế nào".

Khó thu hút đầu tư vì vấn đề cơ chế

LVHDLCDTVN là một trong những dự án văn hóa được đầu tư ngân sách lớn nhất từ trước đến nay nhưng trên thực tế lại hoạt động hết sức khó khăn. Theo ông thì những nguyên nhân nào dẫn đến việc này?

Quả thật đây là một dự án có ý nghĩa rất lớn về mặt văn hóa dân tộc và trên thế giới cũng ít có khu nào mang tầm cỡ như vậy; nhưng thực tế thì LVHDLCDTVN lại gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề khai thác, vận hành.

Hiện tại chúng tôi đã đưa một số khu chức năng vào khai thác kèm theo dịch vụ bán vé, xe điện và khu ăn uống phục vụ khách du lịch. Nhưng bằng mắt thường chúng ta có thể thấy cơ sở hạ tầng của làng Văn hóa chưa hoàn thiện vì đầu tư của nhà nước chưa tới ( tổng đầu tư từ năm 1999 đến nay là 1.600 tỷ đồng tương đương với 50% kế hoạch ban đầu)- có những công trình mới xây dựng xong phần thô còn phần hồn là nội thất bên trong thì chưa có; đường đi lối lại và cảnh quan cũng vậy, mà du lịch thì phải có cảnh quan, nếu không có thì làm sao thu hút được khách du lịch, đó là khó khăn thứ nhất.

Làng Văn hóa các dân tộc: Không sớm có đầu tư, bảo dưỡng nhà sẽ sập ảnh 2 Một góc cảnh quan trong LVHDLCDTVN.

Khó khăn thứ hai tôi nghĩ rất quan trọng, là việc tạo một cơ chế đặc thù để kêu gọi các nhà đầu tư, ví dụ việc đầu tư làng Văn hóa thì dứt khoát phải có các khu dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí. Bây giờ nhà nước không có ngân sách để đầu tư xã hội hóa nhưng thủ tục để kêu gọi việc này cũng lại chưa có nên rất bất cập; ví dụ không có chế độ ưu đãi cho các nhà đầu tư như việc miễn, giảm, ưu đãi về thuế đất giống các khu công nghiệp (được miễn, giảm trong một khoảng thời gian nhất định). Đầu tư về văn hóa, người ta tính bằng cả một thế hệ chứ không thể nào tính lời theo năm, theo tháng được, do đó để thu hút được nhà đầu tư thì phải có cơ chế ưu đãi để họ yên tâm.

Bên cạnh đó, Quyết định 39/2014 QĐ-TTg của Thủ tướng về việc cho làng Văn hóa một số thẩm quyền như xây dựng chủ trương thu hút đầu tư, phê duyệt quy hoạch 1/2000. Nhưng hiện nay theo Luật Quy hoạch 2015 sửa đổi thì phê duyệt quy hoạch 1/2000 lại thành phê duyệt phân khu mà theo Luật thì phê duyệt phân khu thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố, cấp quận, huyện còn LVHDLCDTVN lại không thuộc cấp địa phương nào cả. Do đó khi chúng tôi trình yêu cầu lên thì họ nói trái với luật còn về Hà Nội thì họ lại bảo không có thẩm quyền, vì vậy việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn chồng chéo.

Nói như vậy có nghĩa là ông đã tìm ra hướng đi phù hợp để LVHDLCDTVN vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Tôi khẳng định rằng nếu nhà nước cho LVHDLCDTVN một cơ chế hợp tác công tư phù hợp thì Làng Văn hóa sẵn sàng kêu gọi các nhà đầu tư vào khai thác trên cơ sở những gì đã được đầu tư. Chẳng hạn, bây giờ nhà nước đã đầu tư phần xây dựng nhà rồi thì tư nhân sẽ hợp tác với chúng tôi để đầu tư tiếp những phần còn lại. 

Hiện nay nguồn ngân sách rất khó khăn, nếu nhà nước không đầu tư tiếp cho LVHDLCDTVN thì cho chúng tôi cơ chế, vì không có cơ chế không thể làm nổi. Nếu được Chính phủ hỗ trợ, tháo gỡ một số vấn đề nêu trên thì tôi đảm bảo tất cả các hạng mục trong các khu chức năng của làng Văn hóa sẽ hoàn thành trong vòng 3 – 5 năm nữa.

Chúng tôi kiến nghị TP Hà Nội phê duyệt phân khu cho chúng tôi hoặc cho sửa đổi một số điều trong Quyết định 39, Luật giao cho cơ quan nào thì Chính Phủ giao cho cơ quan đó còn LVHDLCDTVN thực hiện đúng chức năng hiện nay và cho phép đưa các dịch vụ vào đây như đầu tư các thung lũng hoa, khu nghỉ sinh thái thân thiện với môi trường, rồi một số mô hình trải nghiệm cho học sinh, sinh viên,…

Hà Nội tiếp quản LVHDLCDTVN có phù hợp?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng trong Văn bản số 8196 ngày 12/9/2019, LVHDLCDTVN sẽ giao UBND TP Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng Đề án chuyển LVHDLCDTVN từ Bộ VHTTDL về thành phố Hà Nội. Vậy đề án này đã thực hiện đến đâu thưa ông?

Theo sự hiểu biết của tôi, đề án trên hoàn toàn do TP Hà Nội chủ trì và như vậy thì phải có đơn vị phối hợp là Bộ Văn hóa. Nhưng tính từ thời điểm có văn bản 8196, đến nay Hà Nội vẫn chưa có cuộc họp hay trao đổi nào với lãnh đạo Bộ Văn hóa cũng như với Làng Văn hóa để bàn về đề án. Do đó, đến lúc này chúng tôi chưa có thêm thông tin gì.

Bên cạnh đó, tôi lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều việc chuyển LVHDLCDTVN về TP Hà Nội từ các chuyên gia, nhà văn hóa nhất là về lĩnh vực dân tộc, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở làng Văn hóa.

Làng Văn hóa các dân tộc: Không sớm có đầu tư, bảo dưỡng nhà sẽ sập ảnh 3 Ông Ma Văn Chăn (Nghệ An) đang sống cùng 8 người khác trong làng của dân tộc Khơ mú ở LVHDLCDTVN.

Với câu chuyện LVHDLCDTVN, ông cho rằng chúng ta nên thay đổi tư duy làm văn hóa như thế nào?

Bây giờ chúng ta phải tiếp cận ở quan điểm là bảo tồn với phát triển mà vẫn đảm bảo được giá trị gốc chứ không phải là chỉ bảo tồn nguyên trạng. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nếu xác định làm văn hóa mà không gắn với phát triển thì hoàn toàn sai lầm và không làm được.

Do đó mới cần những nhà làm văn hóa, hoạch định chiến lược về văn hóa chứ không phải là kêu gọi xã hội hóa để làm biến dạng, thay đổi mục tiêu và ảnh hưởng đến nguyên gốc, đó là điều hoàn toàn không được. Nhưng một khu du lịch mà không có dịch vụ là sẽ chết, chắc chắn là như vậy!

Bây giờ dứt khoát phải đưa các dịch vụ vào để tăng ngân sách thì mới có nguồn để đảm bảo việc bảo dưỡng các hạng mục. Thực chất hoạt động của các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng, du lịch nghỉ dưỡng, khu công viên bến thuyền vào làng là để bù đắp cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của LVHDLCDTVN.

Cảm ơn ông!

Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam có tổng diện tích 1.544ha thuộc các huyện Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây (Hà Nội) được Chính phủ phê duyệt tổng mức đầu tư khoảng 3 nghìn tỷ đồng từ 20 năm trước; được coi là một trong những dự án văn hóa được đầu tư ngân sách lớn nhất từ trước đến nay. Thời điểm này, làng có 14 dân tộc sinh sống thường xuyên và dự kiến đón khoảng 700 nghìn lượt khách trong năm 2019..

MỚI - NÓNG