Cảnh tan hoang, rậm rạp của một số công trình tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc
TPO - "Tôi khẳng định rằng những công trình đó nếu 3 – 4 năm nữa không có nguồn vốn đầu tư hoặc ngân sách bảo dưỡng thì chắc chắn sẽ sập mà hiện tại thì một vài nhà cũng đang trong tình trạng nguy hiểm; nhất là nhiều khu làng dân tộc không có người ở", ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nói.
Video: Cảnh tan hoang của một số công trình ở Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam có tổng diện tích 1.544ha thuộc các huyện Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây (Hà Nội) được Chính phủ phê duyệt tổng mức đầu tư khoảng 3 nghìn tỷ đồng từ 20 năm trước; được coi là một trong những dự án văn hóa được đầu tư ngân sách lớn nhất từ trước đến nay. Thời điểm này, làng có 14 dân tộc sinh sống thường xuyên và dự kiến đón khoảng 700 nghìn lượt khách trong năm 2019.
Nhưng theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, thời điểm hiện tại nhiều hạng mục tại đây đang bị xuống cấp cực kì nghiêm trọng:
Cột nhà và cửa của một số dân tộc không có người ở đã bị mối, mọt khá nhiều, nhất là cầu thang và trụ nhà của dân tộc Sán Chay.
Gỗ lát sàn và cột trong nhà của dân tộc Lào bị mục.
Lối vào nhà dân tộc La Ha bị cỏ lau cao quá người che lấp nên muốn vào phải vạch bụi rậm mà đi.
Đồi chè giữa khu nhà dân tộc Sán Chay và La Ha đã biến thành rừng từ lâu.
Đặc biệt, một số hạng mục trong khu vực chùa Pháp Ấn đã biến thành nhà hoang vì phần mái ngói bị phá hủy, những tấm bạt che vội trên nóc nhà đã mục nát từ lâu.
khu vực sân thì cỏ mọc ngang đầu gối, thậm chí một số nơi cỏ còn che lấp cả công trình.
Những khu vực kể trên hầu như không có một khách du lịch nào bén mảng tới vì theo một số người, họ sợ bị cỏ làm trầy xước da thịt hay việc côn trùng và rắn rết ẩn nấp trong các bụi rậm.
Chia sẻ về vấn đề này với Tiền Phong, ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: “Làng Văn hóa của Việt Nam có một đặc thù khác so với các nước trên thế giới đó là nước ngoài họ chỉ làm mô phỏng các công trình bằng bê tông, cốt thép chứ không làm thật như chúng ta.
"Các làng ở đây đều có đầy đủ hồ sơ là làm theo nhà của ông bà nào, ở làng nào, xã nào, huyện nào, nó là phiên bản 1:1 kể cả chất liệu, chúng tôi tôn trọng điều ấy nhưng nó rất dễ xuống cấp và nếu không có hình thức bảo trì, bảo dưỡng hàng năm thì sẽ hư hỏng".
Thậm chí tôi khẳng định rằng những công trình đó nếu 3 – 4 năm nữa không có nguồn vốn đầu tư hoặc ngân sách bảo dưỡng thì chắc chắn sẽ sập mà hiện tại thì một vài nhà cũng đang trong tình trạng nguy hiểm; nhất là nhiều khu làng dân tộc không có người ở”, ông Chung nói.
Cỏ dại mọc trong một ngôi nhà đất.
"Hiện nay, làng có 2 nguồn ngân sách, đó là từ nhà nước cho việc bảo dưỡng hàng năm nhưng rất hạn chế nên chúng tôi chỉ “giật gấu, bá vai”, chỗ nào hỏng thì sửa chứ không thể bảo trì mang tính hệ thống được. Còn nguồn thứ 2 là từ bán vé để lại, như năm 2018 là 10 tỉ và đây cũng không phải con số nhiều bởi tượng tượng rằng nếu có 54 làng phải bảo trì thì nguồn kinh phí không đảm bảo. Cho nên việc xuống cấp là chuyện đương nhiên, chúng tôi cũng xót lắm nhưng không biết làm thế nào!" -Ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký văn bản số 8196/VPCP-TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng: Giao UBND TP Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng Đề án chuyển Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam từ Bộ VHTTDL về thành phố Hà Nội, trình Thủ tướng xem xét, bảo đảm mục tiêu Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo Quyết định số 667 ngày 21/8/1997 của Thủ tướng.
Chính phủ phê duyệt tổng mức đầu tư vào Làng Văn hóa với 1.544 ha khoảng 3 nghìn tỷ đồng từ 20 năm trước, tới nay mức đầu tư mới ở hơn 51% (tương đương hơn 1.500 tỷ đồng). Thiết chế văn hóa đặc biệt đi vào hoạt động từ năm 2010, với mục tiêu cao nhất quảng bá văn hóa tầm quốc gia, là biểu tượng đại đoàn kết 54 dân tộc, tiến tới thông qua hoạt động để thu hồi một phần vốn, duy tu và phát triển.
TPO - Hiện có khoảng 60 trường đại học đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, phần lớn các trường nghỉ 2 tuần, có trường nghỉ nhiều lên tới 6 tuần.