Làng văn hóa - du lịch các dân tộc xuống cấp: Không thể khiên cưỡng

Dù được đầu tư nhiều với kỳ vọng thu hút du lịch, nhưng Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam khá hoang vắng Ảnh: Trường Phong
Dù được đầu tư nhiều với kỳ vọng thu hút du lịch, nhưng Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam khá hoang vắng Ảnh: Trường Phong
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về thực trạng hoạt động của Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết đã nhiều lần đến tìm hiểu hoạt động của Làng và thấy cần phải thay đổi cách làm.

Tôi thấy chủ trương xây dựng Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam là chủ trương đúng và đã được hiện thực hóa từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, ngay từ nhiệm kỳ quốc hội khóa 12 và 13, khi tôi là đại biểu quốc hội và là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tôi đã đến Làng văn hóa rất nhiều lần và cũng thấy rằng chủ trương thì đúng nhưng hiệu quả không tương xứng với đầu tư.

Tôi cho rằng, cách làm không phù hợp vì người dân tộc phải sống với đất đai, thổ nhưỡng, không khí, làng bản của họ chứ không thể đưa về sống lâu dài tại Làng. Vì sao lại như vậy? Vì văn hóa nó ướp đậm tính dân tộc của họ, chứ tách họ ra khỏi vùng miền của họ, buôn sóc của họ, nương rẫy của họ để đưa lên một vùng đất mới như thế họ sẽ cảm thấy lạc lõng.

Tôi đã hỏi rất nhiều người làm quản lý ở đó thì được cho biết là bà con lên đây ở vài ngày thì được còn ở lâu dài thì không sống được vì hồn cốt văn hóa của họ phải gắn với chính nơi chôn rau cắt rốn, nơi đã sinh ra họ. Nếu chúng ta dồn bà con các dân tộc vào một khu như thế rồi lại bảo là cứ sống chung đi thì chắc chắn là sẽ rất khó tồn tại. 

Theo ông, Làng cần chuyển đổi các hoạt động ra sao cho phù hợp?

Từ thực tế đó cho nên tư duy Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam phải xem lại cách đặt vấn đề như vậy đã đúng chưa hay là chỉ nên đầu tư một phạm vi hẹp và đến khi có lễ hội 54 dân tộc Việt Nam thì mời bà con đến đấy để họ được hoạt động cùng với các dân tộc khác giống như là trổ tài khoe sắc của dân tộc mình. 

Tôi cần phải nhắc lại là đưa người dân tộc về Làng văn hoá sống lâu dài thì không phù hợp. Cuộc sống của họ phải gắn với núi rừng đại ngàn, với nước chảy rì rầm. Vậy Làng văn hoá có được những điều đó không? Tôi chắc chắn là không có những điều ấy. Chúng ta làm văn hoá thì phải thấy được hồn cốt của văn hoá mỗi dân tộc là gì chứ không thể đưa người các dân tộc lên đấy ở một cái nhà giống như nhà của họ nhưng toàn bộ nét sinh hoạt, tâm linh, đồng bào của họ lại không có ở đấy. Mình không thể đưa những ngọn núi Tây Nguyên, rừng đại ngàn hay thửa ruộng bậc thang vùng núi phía Bắc đến Làng văn hoá được. Vậy thì rất khó.

Đã có lần tôi nói với các anh lãnh đạo Bộ VHTT&DL là làm như vậy có khiên cưỡng không, có duy ý chí không? Chúng ta vẫn còn nghèo mà lại đầu tư hàng nghìn tỷ cho một Làng văn hóa như vậy có nên hay không? Hay là chúng ta bảo tồn các làng văn hóa đặc trưng ngay tại các vùng như Tây Nguyên, Lào Cai, Sơn La… Người dân được sống ngay trong chính ngôi làng thực sự của họ. Hay là chúng ta lập một làng rồi đưa người các dân tộc về ở và bảo đấy là Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam?

Với hàng loạt hạng mục còn lại của Làng văn hóa, theo ông, cần điều chỉnh ra sao để thu hút đầu tư?

Chủ trương thì đúng nhưng vấn đề là cách làm. Vậy chúng ta có nên đầu tư tiếp nữa cho Làng văn hóa không? Như tôi đã nói ở trên là cần phải điều chỉnh lại, khoanh vùng lại trong phạm vi phù hợp, chỉ dựng lên một số ngôi nhà đặc trưng biểu tượng cho các dân tộc lớn nhất tại đó để quảng bá, thu hút khách du lịch. Tất cả các hạng mục còn lại thì phải xã hội hóa, thu hút đầu tư.

Có thể xây dựng các khu nghỉ dưỡng cho người già, các khu điều trị cho trẻ em tật nguyền, lập các khu công nghệ… vì đây rất thuận lợi về giao thông, hạ tầng đã được Nhà nước xây dựng.
Chúng ta cần mạnh dạn thay đổi, không phải cứ quy hoạch làng văn hóa rồi thì cứ nhất nhất phải thế. Không phù hợp thì phải chuyển đổi. Bảo tồn, phát triển văn hóa thì không thể khiên cưỡng.

Cảm ơn ông.

“Đã có lần tôi nói với các anh lãnh đạo Bộ VHTT&DL là làm như vậy có khiên cưỡng không, có duy ý chí không? Chúng ta vẫn còn nghèo mà lại đầu tư hàng nghìn tỷ cho một Làng văn hóa như vậy có nên hay không?”. 

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội 

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.