Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: 'Chuyển' về Hà Nội thế nào?

Hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chưa thu hút được nhiều du khách. Ảnh: Ngọc Châu
Hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chưa thu hút được nhiều du khách. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Chính phủ có chủ trương giao Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam về UBND TP Hà Nội, thay vì để Bộ VHTTDL quản lý như hiện nay. Quyết định này lại xới lên câu chuyện mô hình quản lý thiết chế văn hóa nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Đầu tư tiền nghìn tỷ có hiệu quả?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký văn bản số 8196/VPCP-TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng: Giao UBND TP Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng Đề án chuyển Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam từ Bộ VHTTDL về thành phố Hà Nội, trình Thủ tướng xem xét, bảo đảm mục tiêu Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo Quyết định số 667 ngày 21/8/1997 của Thủ tướng.

Chính phủ phê duyệt tổng mức đầu tư vào Làng Văn hóa với 1.544 ha khoảng 3 nghìn tỷ đồng từ 20 năm trước, tới nay mức đầu tư mới ở hơn 51% (tương đương hơn 1.500 tỷ đồng). Thiết chế văn hóa đặc biệt đi vào hoạt động từ năm 2010, với mục tiêu cao nhất quảng bá văn hóa tầm quốc gia, là biểu tượng đại đoàn kết 54 dân tộc, tiến tới thông qua hoạt động để thu hồi một phần vốn, duy tu và phát triển. Thực tế hoạt động không mang lại hiệu quả như mong đợi.

“Từ mấy năm nay Làng Văn hóa bộc lộ kém hiệu quả rồi. Mô hình làng văn hóa này ta học của Trung Quốc tỏ ra lỗi thời. Ngôi làng Văn hóa-Du lịch nhưng thực chất khó làm du lịch được, chủ yếu mang ý nghĩa đại đoàn kết dân tộc tuy nhiên ý nghĩa này mới dừng ở khẩu hiệu, chưa thực sự hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa phân tích.

Chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt thi thoảng lại trở đi trở lại Làng Văn hóa xem có gì đổi khác, lần nào tới làng cũng thấy tiếc vì sự dở dang, đìu hiu. “Tại sao lại có điểm du lịch tự phát như ga Long Biên, cà phê đường tàu? Là bởi những nơi được coi là trọng điểm của du lịch không đủ hấp dẫn dù được đầu tư lớn. Làng Văn hóa có được cảnh quan bao quanh hồ Đồng Mô quá đẹp, đường đi từ trung tâm Hà Nội tới thuận tiện. Chủ trương của Chính phủ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đúng, nhưng thực hiện lại dở. Các doanh nghiệp du lịch chưa tiếp thị nhiều cho khách nước ngoài bởi lo ngại dịch vụ: Nhà vệ sinh bẩn thỉu, vào dịp ngày hội dịch vụ lộn nhộn, nhà cửa không được bảo dưỡng, duy tu nhiều”, ông Tiến Đạt nói.

HÀ NỘI QUẢN ĐƯỢC KHÔNG?

Hà Nội được Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án chuyển Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam về cho thành phố quản lý. Việc này cũng xuất phát từ đề xuất của Hà Nội, đổi lại Hà Nội đưa Bảo tàng Hà Nội cho Bộ VHTTDL quản lý, dự kiến biến bảo tàng thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tuy nhiên một số chuyên gia văn hóa, du lịch phân tích Hà Nội khó có đủ tầm quản lý, vận hành Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam theo đúng mục tiêu ban đầu, cũng như lo ngại Hà Nội phá vỡ quy hoạch tổng thể Chính phủ phê duyệt năm 1997. Cuộc chuyển đổi này không khéo lại uổng phí hơn 1.500 tỷ đồng nhà nước rót vào làng.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: 'Chuyển' về Hà Nội thế nào? ảnh 1 Khi "chuyển" về cho TP Hà Nội quản lý,  Làng Văn hóa hoạt động thế nào? Ảnh: Ngọc Châu

TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian chỉ ra hai xu hướng: một là Bộ VHTTDL quản lý làng. Xu hướng thứ hai là càng ngày càng thu hẹp vai trò của Bộ. Việc giao Làng cho UBND thành phố Hà Nội nằm trong xu hướng thứ hai. “Tuy nhiên bước đầu Bộ VHTTDL có đủ bộ máy để làm tốt hơn công tác quản lý làng. Chúng ta cũng cần lưu ý hiện nay các thành phố lớn trong đó có cả Hà Nội có hiện tượng dồn trường học, thu hẹp công viên lấy đất vàng nhăm nhe kinh doanh, hoặc bán đất vàng. Tôi cho rằng nếu giao cho Hà Nội quản lý Làng Văn hóa cần có văn bản quy định rõ việc không được sử dụng đất để kinh doanh hoặc xây chùa. Không thể để Làng Văn hóa xa rời mục tiêu ban đầu đề ra”, TS Trần Hữu Sơn nói.

“Tôi nghĩ công trình vài nghìn tỷ do nhà nước đầu tư không chỉ mang ý nghĩa du lịch, còn mang ý nghĩa văn hóa, đại đoàn kết dân tộc. Tôi cho rằng vẫn nên để Bộ VHTTDL quản lý. Hà Nội là địa phương, chỉ mang tính đại diện cho người Kinh không thể đủ hiểu biết về 54 dân tộc với văn hóa đặc trưng riêng, trong khi đó Bộ VHTTDL có đủ bộ máy, quy tụ chuyên gia đầu ngành về văn hóa”, ông Nguyễn Tiến Đạt nêu ý kiến. Các chuyên gia lo ngại nếu chỉ để tư nhân vào đầu tư, kinh doanh khó bảo toàn mục tiêu cao nhất về quảng bá văn hóa quốc gia, tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Làng Văn hóa-Du lịch đặt mục tiêu tới năm 2020 đón 1 triệu lượt khách. Năm 2018 khoảng 600 nghìn lượt khách về làng. Ông Trịnh Ngọc Chung, Phó trưởng ban phụ trách BQL Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, hiện làng có 14 dân tộc sinh sống thường xuyên, dự kiến năm nay đón khoảng 700 nghìn lượt khách. Được biết BQL Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam có ý tưởng xây dựng đề án chuyển đổi mô hình quản lý. Theo đó, sau khi hoàn thiện giai đoạn thu hút đầu tư khu A, C,D,E sẽ chuyển sang mô hình công lập có thu, thậm chí chấp nhận tự chủ tài chính để vận hành hiệu quả hơn.

Thay đổi tư duy quản lý

Cuối năm 2017, Chính phủ từng giao Bộ VHTTDL chủ trì đề án chuyển đổi mô hình quản lý Làng Văn hóa, tăng thu hút đầu tư để phát triển nhưng vướng mắc cơ chế đầu tư nên gần như chưa có doanh nghiệp lớn nào vào cuộc. “Tôi cho rằng phải suy nghĩ về việc xây dựng đề án thực sự đổi mới, bỏ hẳn tư duy bao cấp nhiều năm nay. Làng Văn hóa muốn phát huy được phải đi theo hướng đa dạng hóa đầu tư, huy động nhiều nguồn lực đầu tư”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đề xuất.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn cho rằng Làng Văn hóa có đầy đủ cơ sở có thể phát triển tốt, quan trọng tái cơ cấu hợp lí. Theo ông, có thể chia làng thành nhiều phân khu chức năng, với khu chức năng làm du lịch phải tự hạch toán kinh tế, với khu chức năng dành cho văn hóa, đại đoàn kết dân tộc có thể nhận một phần ngân sách nhà nước cùng với xã hội hóa tổ chức hoạt động.

Từ góc độ chuyên gia du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng: Mô hình đưa đồng bào dân tộc về sinh sống giới thiệu văn hóa, làm du lịch hoàn toàn có thể khai thác phục vụ du khách. “Tôi nghĩ do mình chưa làm tốt, ở nhiều nơi họ biết cách khai thác khá thú vị. Tôi đến Ai Cập, họ cũng có khu làng tái hiện đời sống cư dân Ai Cập cổ đại, khách đi thuyền dọc sông Nin thấy người dân mặc như thời cổ đại, đan lát thêu thùa, săn bắn. Chúng ta chưa phát huy hết truyền thống đấy thôi. Nhiều lần tôi thấy đồng bào dân tộc về làng nhưng chưa tạo ra hình ảnh đặc trưng, ăn mặc chưa hẳn trang phục truyền thống. Khách đến buôn làng phải có hoạt động thú vị như mời khách chơi trò chơi dân gian, đằng này đồng bào ta cứ ngồi cho có chẳng thấy chào mời gì”, ông Đạt nói.   

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.