Cảnh hoang tàn tại dự án chăn nuôi bò nghìn tỷ ở Hà Tĩnh. Video: Phạm Trường. |
Tuy nhiên, dự án sau đó không hiệu quả, lãnh đạo công ty và một số cán bộ ngân hàng liên quan cho dự án vay vốn bị khởi tố. Tháng 5/2021, dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy mô giảm còn hơn 1.200 ha với tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng. |
Quy mô đàn bò giảm xuống còn 35.000 con, đồng thời bổ sung thêm trồng các loại dứa, chuối, ngô, cây ăn quả, cỏ, dược liệu. Sau điều chỉnh dự án, Công ty Bình Hà và đối tác kinh doanh là Công ty CP Thương mại đầu tư phát triển Do Holdings (TPHCM) đã kết hợp chăn nuôi và trồng ngô, sắn nguyên liệu, cỏ, dứa và cây dược liệu nhưng không hiệu quả nên từ cuối tháng 3/2023, đối tác đã rút lui khỏi dự án. |
Theo ghi nhận, hiện phần đất dự án tại xã Cẩm Quan, Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên), cả dãy dài tít tắp chuồng nuôi vẫn đang bỏ hoang, không nuôi một con bò nào. Nhiều chuồng mái tôn đã bị gió tốc mái, hư hỏng, hoen gỉ. |
Một bảo vệ tại đây cho biết, hiện công ty có nuôi bò ở dãy chuồng thuộc huyện Kỳ Anh, tại huyện Cẩm Xuyên này chủ yếu chỉ trồng sắn và sắp sửa trồng dứa. |
Cả khu chăn nuôi rộng cả nghìn ha và khu vực nhà xưởng chỉ có một vài bảo vệ trông coi. |
Một số khu nhà công nhân, hành chính của công ty bỏ hoang, nhếch nhác, vương vãi phân gia súc. |
Người dân địa phương cho biết nhiều năm dự án không còn chăn nuôi, trồng trọt nên thấy đất bỏ hoang, họ tiếc nuối. |
Ông Phạm Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên - cho hay, địa phương có hàng trăm ha đất rừng giao cho Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án của công ty này không có hiệu quả, đất đai bỏ hoang, dẫn đến tình trạng người dân địa phương chiếm đất trồng keo. Trong hình, máy móc chất đầy kho bãi, một số phơi mưa phơi nắng. |
“Xã đã nhiều lần tuyên truyền, ngăn chặn việc người dân chiếm đất doanh nghiệp song Công ty Bình Hà cần có trách nhiệm hơn trong bảo vệ tài sản. Nhà nước đã giao đất cho nhưng dự án không hiệu quả, đất bỏ hoang rồi buông lỏng quản lý, người dân thấy tiếc đất nên vào lấn chiếm trồng keo”, ông Thành nói. |
Chuồng trại trống không, không một con bò được nuôi nhốt, xuống cấp theo thời gian. |
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên - thông tin hiện có một doanh nghiệp ở Ninh Bình đã khảo sát, phối hợp trồng nguyên liệu dứa với Công ty Chăn nuôi Bình Hà. Trong hình là phần diện tích đất được giao cho công ty, trở thành bãi đất trống, nơi chăn nuôi trâu bò của người dân địa phương. |
Một số phần diện tích khác được trồng sắn mỳ song nhiều diện tích kém phát triển. |
“Phần đất của Công ty Bình Hà trên địa bàn 2 xã Cẩm Mỹ và Cẩm Quan là rất lớn. Địa phương cũng từng nhiều lần đề xuất tỉnh xem xét nếu dự án không hiệu quả thì thu hồi, cắt chuyển phần diện tích đất để huyện phân bổ cho người dân sản xuất, song do vướng tài sản trên đất và các thủ tục cần thiết nên chưa thể xử lý”, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin. |