Làng Thổ Hà nổi tiếng nghề làm gốm, tuy nhiên khi các đồ dân dụng bằng nhựa ra đời khiến cho nghề làm gốm lao đao, nhiều người bỏ nghề gốm, rồi dần chuyển sang nghề làm bánh đa nem.
Cách Tết khoảng 3 tháng, người làm bánh đa nem ở làng Thổ Hà lại tất bật chuẩn bị vào vụ Tết.
Bốn giờ sáng, phóng viên Tiền Phong có mặt tại làng Thổ Hà. Khắp làng trên xóm dưới, những gia đình làm bánh đa nem ở đây cũng bắt đầu những công đoạn đầu tiên để làm ra những chiếc bánh đa nem.
Chị Phạm Thị Hòa là người duy nhất ở làng Thổ Hà còn làm bánh đa nem thủ công theo truyền thống. Năm nay bước sang tuổi 46, nhưng chị có gần 30 năm gắn bó với nghề.
Đôi tay chị Hòa thoăn thoắt trên lò than tráng bánh. Hằng ngày, chị dậy từ 4h sáng để làm bánh. Chị tráng từng chiếc bánh đa nem bằng tay. Mỗi ngày, chị làm ra khoảng 2.000 chiếc bánh. Việc làm bánh đa nem bằng tay vất vả hơn so với làm máy. Mỗi ngày, trừ chi phí, gia đình chị lãi từ 400 – 500 nghìn đồng.
“Dịp Tết, nhu cầu mua bánh đa nem nhiều hơn nên gia đình tôi phải dậy sớm hơn để làm phục vụ khách hàng”, chị Hòa chia sẻ.
Cách đó vài ngỏ nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến nhà anh Cáp Trọng Dùng, một trong những gia đình làm bánh đa nem có tiếng ở làng Thổ Hà. Tính đến nay, gia đình anh có nhiều thế hệ theo nghề này. Từ nhỏ, anh đã theo bố mẹ làm nghề.
Theo anh Dùng, người đầu tiên ở làng làm nghề bánh đa nem là ông Trịnh Đăng Học. Bánh đa nem bắt đầu phát triển mạnh khoảng 90 năm nay. Mỗi ngày, gia đình anh làm khoảng 8000 chiếc bánh đa nem.
“Vào ngày Tết, gia đình tôi làm nhiều hơn ngày thường, nhưng không đủ hàng để bán.Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi lãi khoảng 200 triệu đồng từ làm bánh đa nem”, anh Dùng nói.
Theo UBND xã Vân Hà, cả làng Thổ Hà có 301 gia đình làm bánh đa nem. Ngày thường, trung bình mỗi gia đình làm khoảng 3000 chiếc bánh đa nem/ngày, nhưng vào tháng Tết tăng lên 5000 chiếc. Tính ra, vào tháng Tết, cả làng Thổ Hà làm ra khoảng 150.000 chiếc bánh đa nem/ngày.