Làng hồng lâu đời nhất miền Nam hồi sinh

Anh Mai Xuân Long đi đầu trong việc sấy gió quả hồng
Anh Mai Xuân Long đi đầu trong việc sấy gió quả hồng
TPO - Chuyên gia người Nhật đã tìm đến thôn Đất Làng, vùng đất xa xôi của TP.Đà lạt để hướng dẫn nhà vườn sấy gió quả hồng. Được thổi luồng sinh khí mới, làng hồng lâu đời nhất miền Nam đã hồi sinh.

Hiện các vườn hồng bạt ngàn trên hàng chục ngọn đồi ở thôn Đất Làng (xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt) đã đồng loạt phủ một màu vàng cam, xen lẫn đỏ rực của những quả hồng đang vào thời điểm chín rộ trông rất đẹp mắt.

Làng hồng lâu đời nhất miền Nam hồi sinh ảnh 1 Hồng đang chín rộ, trĩu cành.

Nhà vườn đang hối hả thu hoạch, sau đó vặt hết các tai xung quanh cuống, rửa sạch rồi gọt vỏ, xử lý cho hết mủ; đưa vào phòng vô khuẩn, dùng năng lượng than, điện hoặc gas để làm se bề mặt quả hồng. Cuối cùng, quả hồng được treo trong nhà kính.

Quả được treo bằng dây, cách nhau không quá dầy, khoảng 25cm, để gió tự nhiên sấy khô dần. Với những quả lớn, sau khi sấy gió chừng 20 - 30 ngày thì quả sẽ co dần do mất nước nhưng vẫn giữ lại được lượng đường bên trong. Quả càng nhỏ thì thời gian phơi gió càng ngắn vì nếu để lâu sẽ bị khô.  Gặp lúc thời tiết đẹp thì 6 kg quả tươi sẽ cho ra 1kg quả khô.

Làng hồng lâu đời nhất miền Nam hồi sinh ảnh 2 Treo quả hồng để đón gió trời.

Khi thưởng thức, thực khách cảm nhận được vị dai ở lớp vỏ bên ngoài, độ dẻo và ngọt thanh bởi mật đường bên trong quả hồng sấy gió. Đặc biệt, hương vị đặc trưng của quả hồng vẫn được giữ nguyên.

Anh Mai Xuân Long, chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đất Làng Cầu Đất cho biết một cây hồng trưởng thành có thể cho tới vài tạ quả, giá từ 10.000-18.000 đồng/kg tùy loại. Quả hồng tươi chỉ có thể bảo quản trên dưới 10 ngày; trong khi hồng sấy gió trữ trong tủ lạnh tới 1 năm, còn trong nhiệt độ thường, thoáng mát cũng được 6 tháng.

Theo cụ Nguyễn Thị Chanh (77 tuổi), từ giữa thế kỷ trước, người dân thôn Đất Làng bắt đầu trồng quả hồng ăn trái, riêng cụ đã trồng hồng hơn 40 năm. Khoảng 10 năm trở lại đây, do một số vùng khác ở Lâm Đồng cũng trồng được quả hồng; rồi thì hồng Trung Quốc tràn sang, đội lốt hồng Đà Lạt dẫn đến tình trạng đụng chợ, ế ẩm. Đặc biệt hồng là loại quả mau hỏng nên không trữ lâu được.

Hồng thường chín rộ vào tháng 10 và tháng 11, bán không kịp, quả rụng đầy gốc vì nhiều lúc giá bán rớt xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, không bù được công thu hoạch, vận chuyển… Thế nên quả hồng ngon ngọt là thế nhưng nhiều lúc đến vụ thu hoạch, nhà vườn lại gọi là mùa hồng chát, mùa hồng đắng…

May mắn là từ năm 2017, với sự hỗ trợ của tổ chức JICA và các chuyên gia trồng hồng ở Nhật Bản, UBND TP. Đà Lạt tổ chức mở các khóa tập huấn làm hồng sấy gió cho nông dân thôn Đất Làng.

 Anh Long đã vận động 28 hộ dân trong thôn cùng mình thành lập hợp tác xã; đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm hồng treo gió có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thị trường tiêu thụ chính là TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng… Thời điểm gần Tết nhu cầu tiêu thụ lớn nên cung không đủ cầu.

Làng hồng lâu đời nhất miền Nam hồi sinh ảnh 3 Đóng gói hồng sấy gió.

Sau khi nghề sản xuất hồng treo gió phát triển, giá hồng tươi tại vườn đã tăng lên gấp 5 -6 lần, là tiền đề để làm sống lại nghề hồng ở thôn đất Làng.

Làng hồng lâu đời nhất miền Nam hồi sinh ảnh 4 Du khách check in tại các vườn hồng ở thông Đất Làng.
MỚI - NÓNG