Di dân xong lại lũ lượt bỏ về quê
Theo tiếng gọi từ dự án di dân ra vùng biên giới, năm 2005, 40 hộ dân ở Ba Vì (Hà Tây cũ) đến với bản Tân Đức. Đã có thời gian Tân Đức được coi là “điểm sáng” của những bản di dân với cuộc sống nhộn nhịp, bà con hăng hái trồng rừng, phát triển kinh tế.
Ngoài được hỗ trợ 1 căn nhà mái 2 gian và 1ha đất rừng sản xuất, cứ mỗi hộ dân lên đây đều được Nhà nước hỗ trợ 4 triệu đồng để ổn định cuộc sống. Đường dẫn vào bản cũng được bê tông hoá, điện kéo đến từng hộ gia đình...
Nhưng từ khoảng năm 2011, bản Tân Đức đã có lác đác một vài hộ bỏ về quê cũ. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 21/55 hộ (tính cả số hộ ở vùng lân cận đến Tân Đức theo diện giãn dân).
Ngoài khó khăn trong phát triển kinh tế, thì vấn đề nước sinh hoạt cũng là một nỗi lo. Trước đây, các hộ dân trong bản dùng nước dẫn từ trên núi về bể do nhà nước xây, nhưng việc khai thác đá của Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Ninh đã làm ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn, cộng với đường ống dẫn nước bị han rỉ, tắc nên đến nay chỉ còn 5 hộ dân trong thôn dùng nước từ nguồn này…
Theo tìm hiểu của chúng tôi qua UBND huyện Hải Hà, ngoài bản Tân Đức (xã Quảng Đức), còn có 30 hộ dân từ trung tâm xã Quảng Đức vào sinh sống tại bản Cống Mằn Thìn và 30 hộ dân từ trung tâm xã Quảng Đức, thôn 3 xã Quảng Thịnh vào sinh sống tại bản Khe Lánh II. Nhưng đến nay, đã có 63 hộ dân từ 3 bản này đã trở về nơi ở cũ, không còn quay lại bản, trong đó: Thôn Tân Đức có 34/55 hộ bỏ về; bản Khe Lánh có 16/30 hộ bỏ về và bản Cống Mằn Thìn có 13/30 hộ bỏ về.
Vì sao người dân bỏ bản tái định cư?
Theo lãnh đạo huyện Hải Hà, tình trạng người dân bỏ về, không ở lại khu tái định cư xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, kết cấu hạ tầng ở các vùng định cư mới, nhất là trong các thôn, bản di dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa được quan tâm triệt để, mới chỉ chú trọng ở những khu vực trung tâm. Việc rà soát, đánh giá thực trạng đất đai, khí hậu để xây dựng các thôn, bản có nhiều bất cập, từ đó dẫn đến quy hoạch nhà dân nằm quá xa đường giao thông, xa khu vực canh tác nông, lâm nghiệp.
Mặt khác, chính sách hỗ trợ cho việc di, dãn dân tuy đã được Trung ương và tỉnh quan tâm, nhiều lần thay đổi, bổ sung, song vẫn còn ở mức thấp, chưa giải quyết được khó khăn cơ bản của các hộ đến định cư làm nhà ở, vay vốn mở rộng sản xuất.
Thực trạng này đã khiến cho nhiều hộ dân muốn vay vốn làm ăn rất khó khăn do không có tài sản thế chấp. Việc lựa chọn dân cư đến các vùng di dân nhiều khi chưa phù hợp, chưa sát sườn với dân, chưa tạo ra căn nhà ở phù hợp với đời sống văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của người dân.
Lãnh đạo huyện Hải Hà đã nhiều lần kiểm tra, rà soát lại 3 bản di dân nói trên. Thực trạng là các hộ dân đã bỏ về nơi ở cũ khá nhiều. Huyện và xã Quảng Đức đã nhiều lần gửi thông báo cho các hộ dân đã bỏ về nhưng phần lớn các hộ dân này bỏ đi, không rõ địa chỉ nên không đưa được thông báo đến tận tay các hộ. Quan điểm của huyện là sẽ thu hồi tài sản, đất sản xuất của các hộ dân đã bỏ về, không ở lại vùng tái định cư trên cơ sở rà soát, kiểm tra lại và xin chủ trương, đề xuất của cấp trên.
Theo lộ trình của huyện Hải Hà thì năm 2019, xã Quảng Đức sẽ thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn. Qua những dự án di giãn dân kém hiệu quả này, nếu như không có sự thay đổi, quan tâm đặc biệt thì người dân các thôn, bản như Tân Đức, Khe Lánh II, Cống Mằn Thìn khó có được cơ hội thoát nghèo bền vững.