Làng đóng tàu vang bóng một thời

Làng nghề đóng tàu Trung Kiên 700 năm tuổi ở xứ Nghệ đìu hiu
Làng nghề đóng tàu Trung Kiên 700 năm tuổi ở xứ Nghệ đìu hiu
TP - Thiếu vốn và mặt bằng, không có đơn đặt hàng... nhiều lý do khiến cho hàng chục cơ sở ở làng đóng tàu Trung Kiên phải đóng cửa, chuyển nghề. Tuy nhiên, người thợ ở đây vẫn luôn khao khát một ngày được quay lại với nghề, được đóng những “chiến mã”, góp sức cùng ngư dân vươn khơi, bám biển.

Thời vàng son

Ghé thăm làng đóng tàu Trung Kiên (xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vào một ngày trung tuần tháng 5. Hòn Rồng hiên ngang, vươn mình che chở làng nghề 700 năm tuổi. Làng đóng tàu Trung Kiên một thuở vốn nổi tiếng “ăn nên làm ra”, thế nhưng, giờ làng chỉ sót lại vài người sửa chữa, gia cố những con tàu cũ, bám nghề theo kiểu “làm cho vui”!

Cách đây chừng hai năm, khi đi qua vùng đất Nghi Thiết, không khó bắt gặp hình ảnh những người thợ đóng thuyền miệt mài chế tác những “gã khổng lồ nghìn sức ngựa”. Âm thanh từ tiếng đục, tiếng búa, tiếng cưa vang vọng cả một vùng cửa biển. Không khí nhộn nhịp, tất bật. Làng bỗng đìu hiu, vắng những âm thanh quen thuộc. Những chiếc tàu phai màu sơn, hoen gỉ và cũ kỹ nằm nép mình một góc. Hàng chục cơ sở đóng tàu và hàng nghìn lao động mất việc làm”. Cái tên “làng ngồi” cũng từ đó mà ra.

Men theo những con đường nhỏ dẫn vào làng, tôi đến cơ sở đóng tàu lớn nhất ở làng Trung Kiên của ông Võ Thế Xâm (62 tuổi). Chỉ tay về khoảng đất trống thênh thang trước nhà, ông Xâm bảo rằng cách đây chừng 10 năm trước chật kín gỗ. Hàng chục trai tráng lực lưỡng chung sức với máy móc dựng những thân gỗ nặng cả tấn tạo bộ khung cho con tàu lớn, biến những khúc gỗ vô tri vô giác thành những đội tàu hùng dũng chinh phục đại dương. “Dân Thanh Hóa, Quảng Bình,… kể cả người trong Nam tìm về làng Trung Kiên đặt hàng, bởi họ tin vào tay nghề chúng tôi. Có thời điểm làm không xuể, chúng tôi phải thuê lao động từ các tỉnh khác về hỳ hục đục, đẽo làm ngày, làm đêm mà không kịp giao cho người đặt mua. Giờ đìu hiu lắm!” - ông Xâm chép miệng thở dài.

Trong ký ức của ông Xâm, thời hoàng kim nhất của làng nghề đóng tàu Trung Kiên có 40 cơ sở đóng tàu thuyền. Từ đầu làng đến cuối xóm, đi đâu cũng nghe tiếng cui, đục, xe gỗ. Thời đó, mỗi năm cơ sở ông Xâm đóng 8-10 tàu công suất 600-1.000 CV, với hơn 60 lao động đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ấy thế mà không ngờ.

Cổ lai hy

Chủ nhiệm Hợp tác xã Trung Kiên Nguyễn Gia In hồi tưởng lại một thời vàng son của làng nghề đóng tàu nức tiếng gần xa. “Làng Trung Kiên có cách đây khoảng 700 năm, được giao nhiệm vụ đóng thuyền Rồng cho vua và đóng tàu chiến cho binh lính. Những người thợ đã đóng hàng ngàn, hàng vạn chiến mã có thể cưỡi sóng, vươn khơi, bám biển. Tàu, thuyền của làng nghề Trung Kiên đóng tỏa đi khắp từ Bắc vào Nam”.

Làng đóng tàu vang bóng một thời ảnh 1 Ông Nguyễn Gia In  – Chủ nhiệm Hợp tác xã Trung Kiên tỉ mỉ lau từng tấm giấy khen treo trên tường

Tương truyền, tổ sư của làng nghề là ông Nguyễn Quốc Công, người gốc xã Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ông là người được triều đình phong kiến thời Lê Trung Hưng phong là Tiền triều Minh nghị tướng quân. Một lần, đoàn thuyền của vua Lê trên đường vào phương Nam ghé qua xứ Nghệ. Thuyền rồng nhà vua theo hướng kênh nhà Lê thị sát tình hình. Không ngờ năm ấy hạn hán kéo dài nên mực nước thấp, thuyền rồng mắc cạn. Nhà vua cho quân đi rao truyền trong vùng, mong tìm được người tài giỏi hiến kế đưa thuyền thoát cạn. Tin đến làng Hoàng Lao (tên gọi cũ của làng Trung Kiên). Người thợ đóng thuyền trẻ tuổi Nguyễn Quốc Công xin ra mắt nhà vua và hiến kế. Kế của Nguyễn Quốc Công là cắt đôi thuyền rồng, tạo thành hai thuyền bé hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, thuyền rồng nhà vua quay được trên dòng kênh nhỏ để trở về Kinh đô an toàn.

Nhớ công cứu giá và yêu mến tài của Nguyễn Quốc Công, khi về đến vùng biển Nghi Thiết, Vua Lê ban sắc phong ông là Tiền triều Minh nghị tướng quân, giao cai quản việc đóng tàu chiến tại làng Hoàng Lao, thuộc hữu ngạn sông Lò (một nhánh của sông Lam đổ ra biển). Bấy giờ, đóng quân tả ngạn sông Lò là đội thủy quân của Triều đình nhà Lê do Đô đốc hải quân Nguyễn Sư Hồi, con trai của Tam quốc công thần Nguyễn Xí chỉ huy. Sự xuất hiện của Tiền triều Minh nghị tướng quân với nhiều ý tưởng sáng tạo đã giúp đội thủy quân nhà Lê sở hữu nhiều chiến thuyền lớn, lợi hại và trở nên hùng mạnh, bảo vệ vững chắc bờ cõi.

“Khi Tiền triều Minh nghị tướng quân qua đời, người dân làng Hoàng Lao dựng đền thờ ông ngay đầu làng, tôn ông là Thành hoàng làng. Sau này, làng nghề Hoàng Lao cũng được đổi tên thành làng nghề Trung Kiên như một sự nhắc nhở thế hệ mai sau về giá trị của lòng trung thành, một lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Mỗi khi hạ thủy một con tàu, người dân làng nghề Trung Kiên lại đến thắp hương xin ông phù hộ”, chủ nhiệm HTX làng đóng tàu Trung Kiên nhớ lại.

Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết toàn tỉnh Nghệ An hiện có 25 cơ sở đóng tàu. Trong đó, làng nghề đóng tàu Trung Kiên có quy mô lớn nhất cả tỉnh với bề dày lịch sử 700 năm. Qua quá trình phát triển, làng nghề đã sản sinh ra những người con có kỹ thuật, chuyên môn, năng lực tốt để tạo nên những con tàu chất lượng. Làng Trung Kiên cũng là nơi đóng những con tàu to nhất tỉnh (dài 30m, rộng 10m). Vấn đề  bây giờ tàu đóng ra không có khách hàng nên hàng chục cơ sở đóng tàu đang “chết” dần. Chúng tôi cũng định hướng và khuyến khích bà con theo nghề khác như nghề mộc, đánh bắt hải sản…”, ông Lương trăn trở. Xem lại những hình ảnh về những chiếc tàu mà Hợp tác xã Trung Kiên đóng mới trong thời gian qua, những chiếc tàu mang thương hiệu Trung Kiên rong ruổi khắp dặm dài đất nước, nhiều người ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Bình Thuận… cũng đã tìm đến Hợp tác xã Trung Kiên thuê đóng tàu…

Dẫu tin vào sức sống bền bỉ và mạnh mẽ của làng nghề có 700 năm tuổi nhưng là người đứng đầu Hợp tác xã Trung Kiên, Chủ nhiệm Nguyễn Gia In vẫn không giấu được nỗi chạnh lòng. “Người dân nơi đây cứ cha truyền con nối giữ lấy cái nghề của cha ông để lại. Trước đây, cuộc sống khó khăn, việc đóng tàu gặp nhiều trở ngại nhưng các cụ vẫn kiên quyết giữ nghề. Giờ đây, lớp hậu sinh chúng tôi phải có trách nhiệm phát triển nghề truyền thống và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Mong muốn lớn nhất của tôi và hàng nghìn người làng Trung Kiên giờ đây là có thể hồi sinh nghề đóng tàu”, ông Chủ nhiệm trầm tư.

Làng Trung Kiên, xưa gọi là Hoàng Lao, vào cuối Triều Nguyễn, làng được gọi là xã Trung Kiên thuộc tổng La Vân, huyện Hưng Nguyên. Năm 1946 thuộc xã Đông Hải. Từ năm 1954 đến nay, làng Trung Kiên thuộc địa phận xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. 

MỚI - NÓNG