Hôm 13/11, một người lính Triều Tiên đã vượt qua lửa đạn ở biên giới làng đình chiến Panmujong, băng qua Khu vực An toàn Chung (JSA), chạy sang Hàn Quốc, theo New York Times.
Đây là nơi duy nhất trong khu vực phi quân sự - vùng đệm rộng được vũ trang hạng nặng, chạy dọc giới tuyến ngăn cách hai miền, có binh lính Triều Tiên và Hàn Quốc đứng gác cách nhau chỉ vài mét. Đây cũng là một trong số ít địa điểm có thể vượt biên.
Các tòa nhà được canh gác cẩn mật nằm rải rác trên giới tuyến này từng là địa điểm ký kết thỏa thuận ngừng bắn năm 1953.
Những năm gần đây, địa điểm này là nơi các tổng thống Mỹ tới chụp ảnh mỗi khi thăm Hàn Quốc, cũng là nơi thu hút nhiều khách du lịch. Tuy nhiên, cuộc đào tẩu kịch tính hôm 13/11 trong tiếng súng nổ nhắc nhở rằng nơi đây vẫn là một điểm chiến sự.
Khu phi quân sự (DMZ) được canh gác cẩn mật, xung quanh gài mìn, dây thép gai, thường xuyên có lính biên phòng tuần tra. Tuy nhiên, làng đình chiến lại khác hẳn.
Làng được thành lập khi Seoul và Bình Nhưỡng ký thỏa thuận ngừng bắn năm 1953, trở thành nơi đàm phán và thương thảo giữa hai bên, là địa điểm nằm trong DMZ, nơi binh lính và sĩ quan hai bên có thể mặt đối mặt.
Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc quản lý khu vực này. Binh lính tuần tra trên quảng trường được vây quanh bởi hai tòa nhà, Nhà Tự Do ở phía nam và Nhà Panmon ở phía bắc.
Làng Panmunjom. Ảnh: New York Times.
Ở giữa đường phân định là dãy 6 nhà thấp tầng, ba tòa sơn màu xanh da trời của Liên Hợp Quốc. Nhiều năm nay, đây là nơi Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình và là nơi du khách có thể bước qua biên giới trong thời gian ngắn. Nhất cử nhất động trong tòa nhà đều đặt dưới con mắt giám sát chặt chẽ của vệ binh.
Cuộc đào tẩu của lính Triều Tiên
Phía Hàn Quốc cho biết binh sĩ Triều Tiên lái xe đào tẩu vào khoảng 3h15 hôm 13/11, qua ranh giới phân định trong JSA. Tại buổi họp báo hôm 14/11, giới chức Hàn Quốc nói khi xe của binh sĩ Triều Tiên bị chặn lại ở biên giới Triều Tiên, anh ta đã bỏ xe lại, chạy về phía Hàn Quốc. Khi đó, 4 binh sĩ Triều Tiên truy đuổi và nã súng vào người này.
Khi vượt qua biên giới, người này đã trốn vào một tòa nhà ẩn náu. Quân đội Hàn Quốc và Mỹ tìm thấy anh ta ở cách biên giới 50 mét về phía nam và đưa về nơi an toàn. Anh ta trúng nhiều đạn, bị thương nhiều chỗ. Theo Yonhap, binh sĩ được cấp cứu vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.
Từ năm 2007 tới trước sự kiện hôm 13/11, chưa từng có binh sĩ Triều Tiên nào vượt biên ở JSA.
Lực lượng cứu hộ đưa binh sĩ Triều Tiên đào tẩu hôm 13/11 vào bệnh viện. Ảnh: Yonhap.
Năm 1984, một hướng dẫn viên du lịch Liên Xô đã từ miền bắc vượt biên qua giới tuyến phân định, khi 30 binh sĩ Triều Tiên ở sau lưng. Lính Triều Tiên và Hàn Quốc ở JSA nổ súng giao tranh. Phía Hàn Quốc có một người chết, hai người bị thương, nhưng hướng dẫn viên trên đào tẩu thành công và không bị thương.
Năm 1976, lính Triều tiên trong JSA dùng rìu tấn công và giết chết hai binh sĩ Mỹ gây chấn động thế giới. Vụ tấn công làm thay đổi cách binh lính hoạt động trong JSA. Trước đó, họ có thể vượt qua ranh giới nhưng sau sự kiện, lính hai bên chỉ được phép ở phần đất của mình, không được vượt qua lằn ranh phân cách.