Đến các di tích lịch sử, đình, chùa, miếu mạo… du khách thường thấy các pho tượng Phật, hoành phi câu đối lấp lánh ánh vàng, bạc. Trải qua một thời gian dài các đồ thờ cúng này vẫn đẹp. Hầu hết trong số đó đều do bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng nghề Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) tạo nên.
Để dát vàng lên các đồ này, người thợ phải có lá quỳ, là loại lá đặc biệt được làm từ giấy dó, quét lên một loại mực làm từ nhựa thông, mùn cưa, hồ và keo da trâu.
Kiêu Kỵ có gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn, có tới hơn 20 thợ làm việc.
Một chỉ vàng có thể dập thành một nghìn tờ giấy, nếu đem trải ra sẽ có diện tích hơn 1m2. Sau khi long quỳ xong, người thợ lại gói quỳ vào hai mảnh vải và giã tiếp cho vàng thật mỏng.
Đây là công đoạn quan trọng có tính quyết định đến chất lượng vàng dát lên có màu sáng hay xỉn, công đoạn này mất khoảng hơn một giờ thì xong.
Trung bình để giã dập một quỳ mất khoảng 30-45 phút.
Sản phẩm sau cùng, mỗi quỳ gồm có 10 buộc giấy, mỗi buộc có 40-50 tờ giấy tương ứng với chừng ấy lá vàng.
Trại quỳ cũng là công đoạn khó, phải lấy vàng sao cho lá vàng không bị rách, không dính vào tay. Chỉ cần hơi thở nhẹ là vàng sẽ bị bay.
Người thợ gỡ vàng ra sau khi giã xong, dùng kéo cắt thành những miếng nhỏ hình vuông, có cạnh chừng 1cm.
Công việc tỉ mỉ, mất nhiều thời gian để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Một trong những sản phẩm dát vàng tiêu biểu của làng Kiêu Kỵ là bức tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay tại chùa Bút Tháp, do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656), đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp nhờ được thếp vàng.
Hay hoành phi cấu đối ban thờ tại đình Kim Ngân phố Hàng Bạc (Hà Nội).
Kiêu Kỵ là làng nghề truyền thống thuộc đất Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa, nay thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội), có lịch sử trên 400 năm.
Trước Cách mạng tháng 8, nghề làm vàng quỳ khá phát đạt, cung cấp cho hầu hết các công trình tín ngưỡng cung đình để giát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước… Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nghề này bị mai một, dân làng chuyển sang làm nghề sản xuất đồ dùng bằng da và giả da.
Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là thời kỳ kinh tế mở cửa, các công trình văn hoá, các di tích lịch sử được khôi phục hoặc xây dựng mới rất cần đến vàng quỳ, nghề truyền thống ở Kiêu Kỵ được khôi phục và phát triển. Nhờ vậy mà nhiều người trong làng có việc làm và thu nhập ổn định.
Theo Lê Bích