Huyện An Dương có 324 ha đất trồng hoa, cây cảnh, tập trung ở các xã: Đặng Cương, Đồng Thái; mỗi năm cho tổng nguồn thu toàn huyện hơn 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trọng Diễm, xã Đặng Cương cho biết, gia đình trồng 300 cây đào cổ thụ, trong đó chủ yếu là đào phai được ghép và tạo thế từ các gốc đào đá, đào núi. Mặc dù thời tiết năm nay thất thường, song do nắm chắc kỹ thuật nên vườn của ông Diễm phát triển tốt. Cây bích đào ông Diễm đang chăm só có giá thuê 7 triệu đồng trong dịp Tết.
Để đào đẹp hơn, người chăm sóc phải loại bỏ chi tiết thừa, như các cành nhỏ bị chết khô, nhựa đào vón cục...
Chị Phạm Thị Chiến là chủ vườn đào hơn 200 gốc. Với các thân đào đá, đào núi được đưa từ Tây Bắc về, chủ vườn cấy thêm phong lan rừng để tăng vẻ đẹp cho các "cụ" đào.
Vợ chồng chủ vườn đào Bùi Văn Lẫm đang dùng dây xích các gốc đào đề phòng mất trộm. Mỗi gốc đào có giá thuê 3-7 triệu đồng, vườn đào 150 cây của gia đình này là một tài sản lớn.
Cây đào phai dáng bon sai, cao khoảng 1,2 m, đường kính gốc 35 cm, khoảng 20 năm tuổi, được chủ vườn ra giá thuê dịp Tết chỉ 2 triệu đồng.
Cây đào song thân, đường kính gốc hơn 40 cm này có giá thuê trên dưới 10 triệu đồng, giá bán khoảng 20 triệu đồng.
Trong nắng ấm của mùa đông, một số cây bích đào đã nở hoa sớm.
Hoa đào phai cũng lác đác nở trong gió đông.
Ông Bùi Viết Dân, xã Đặng Cương, vừa mua hơn 100 gốc đào từ Mai Châu (Sơn La) về với tổng chi phí hàng trăm triệu đồng. Ông hy vọng 1-2 năm tới, những gốc đào này sau khi được ghép sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.