Làng chài cạnh chốn phồn hoa: Mơ ngày cập bến

0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Văn Hường hỏi thăm cuộc sống của gia đình cô Nguyễn Thị Minh
Ông Nguyễn Văn Hường hỏi thăm cuộc sống của gia đình cô Nguyễn Thị Minh
TP - Người dân làng chài Văn Đức nhiều đời vất vả vì cuộc mưu sinh với phận gạo chợ, nước sông. Nghề chài lưới bây giờ ngày mỗi khó, họ mong có một ngày được lên bờ định cư.

Xa dần nghiệp chài lưới

Điều anh Nguyễn Văn Hùng (dân làng chài Văn Đức) đau đáu là tương lai của các con. Hơn hai mươi năm kết duyên, vợ chồng anh có 3 mặt con. Con gái lớn đã lập gia đình trên bờ. Hai con trai, thằng lớn nghỉ học đi làm gốm bên xã Bát Tràng; thằng nhỏ đúp hai năm lớp 6 cũng mới nghỉ ở nhà chợ búa giúp mẹ. “Con gái đi lấy chồng trên bờ thì không nói làm gì, còn hai thằng này phải lo cho chúng nó. Lấy vợ, mỗi thằng lại phải có cái thuyền nữa; chi phí mỗi cái đầu tư ít nhất hơn 100 triệu bạc. Bố mẹ không kham nổi thì cho nó luôn cái thuyền này. Nhưng bọn nó cũng không đánh cá nữa, thuyền chỉ là chỗ ở”, anh Hùng tâm sự.

Nói là vậy nhưng cuộc hội nhập của các ngư dân trẻ với cuộc sống trên bờ vẫn còn chơi vơi. Khi hỏi vì sao anh và con trai anh lớn như vậy, không lên trung tâm thành phố làm xe ôm, đánh giày kiếm thêm thu nhập? Anh Tuyến, một ngư dân sống cạnh khu vực thuyền của anh Hùng không xa, cười, ví von: “Lính thủy đánh bộ là thua ngay, lên phố chả khác gì đi vào trong rừng cả. Mấy thằng nhà tôi cũng nghỉ học sớm, giờ theo bố đi đánh cá. Mấy bố con cũng có cái lồng nuôi cá cho chắc ăn nhưng hiện cũng chỉ dám đi cắt cỏ, rau xanh vứt xuống nuôi thôi, không dám đầu tư cám nhiều. Cứ như cái vụ 6 năm trước (cá chết vì nhà máy trên bờ xả thải - PV) thì tiền đâu chịu nổi”, anh Tuyến nói.

Làng chài cạnh chốn phồn hoa: Mơ ngày cập bến  ảnh 1

Góc làng chài Văn Đức khi trời bắt đầu chạng vạng

Hành trang để lớp trẻ của làng chài lên bờ một cách đàng hoàng chính là con đường học hành nhưng cũng khó trăm bề. Trong bối cảnh đại dịch chưa lắng xuống, Hà Nội vẫn tổ chức cho các em học sinh học trực tuyến là một thách thức lớn với trẻ làng chài. Anh Nguyễn Văn Quân có con trai đang theo học lớp 2 tại trường Tiểu học của xã Văn Đức nhưng cả nhà chỉ có mỗi chiếc điện thoại thông minh. Giờ đây, khi đi làm thêm nghề cửu vạn ở trên bờ, anh Quân đành phải để máy ở nhà, nhường cho cháu học tập. Làng không có mạng internet nên phải đăng ký gói 4G trên điện thoại cho các cháu học trực tuyến. Nhưng học bằng sóng 4G yếu, chập chờn, chất lượng buổi học không đảm bảo.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Duẩn - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) cho biết, trước đây chính quyền xã đã tổ chức nhiều cuộc họp với bà con để giải quyết vấn đề cấp đất cho dân làng chài. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề vẫn chưa đi đến thống nhất bởi những hộ dân hiện đã có đất trên bờ cũng bày tỏ có nguyện vọng được hưởng quyền lợi như những hộ còn lại.“Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục bà con để xử lý khúc mắc này. Khi đã thống nhất được với nhau, chúng tôi sẽ có một công văn đề nghị lên huyện Gia Lâm để có cơ chế hợp lý. Nếu không cấp đất được miễn phí thì cũng sẽ có một mức giá ưu đãi cho bà con làng chài”, ông Duẩn cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền - Phó làng chài Văn Đức, hiện nay nhiều em được gia đình cho đi học hết cấp 2, cũng có một số em học lên cấp 3; còn lại chủ yếu theo bố mẹ đi đánh lưới hoặc sang bên xã Bát Tràng làm thuê cho các công ty gốm sứ. Làng chài cũng từng có ông Chử Văn Thanh, học đến tiến sỹ nhưng sự kiện đó từ những năm 80 của thế kỷ trước. Giờ tương lai bọn trẻ làng chài vẫn như con sóng lênh đênh.

“Bọn trẻ làng chài thiệt thòi lắm. Nếu thuyền bè không chắc chắn, mỗi khi bận việc gì, bố mẹ phải buộc một đoạn dây vào chân lũ trẻ cố định cột trong thuyền để tránh bị đuối nước. Tài sản tất tần tật của vợ chồng ở làng chài tính ra trị giá khoảng 100 triệu đồng. Đời nào biết đời đó, không mấy gia đình có của để dành cho con” - ông Hiền nói.

Mơ một mảnh đất cắm dùi

Đêm ở làng chài Văn Đức nhanh chóng rơi vào tĩnh mịch. Vài chiếc thuyền, nhà nổi có nguồn sáng mờ mờ giữa một khoảng không vi vu gió thổi. Bên kia sông là trung tâm Hà Nội, ánh sáng muôn màu lung linh. Người dân nơi đây có thói quen tắt điện đi ngủ rất sớm hoặc có nhà đã xuôi ngược sông Hồng để kiếm lấy mẻ cá, cân tôm khi nhà buôn trong xã gọi đặt từ trước.

Trong màn sương đêm, chúng tôi đi lên con đường bê tông gặp cái lán nhỏ của ông Nguyễn Văn Hường còn sáng đèn. Rót chén rượu mời khách, ông Hường cho biết, từ đời ông nội ông Hường đã sinh sống ở làng chài này rồi. Sau nhiều năm làm ăn vất vả, tiết kiệm được chút tiền, giờ đây gia đình ông đã mua được mảnh đất ở xã bên. Cái lán này, ông thuê để bà con trong làng chài có chỗ trò chuyện mỗi khi rảnh rỗi hoặc có công việc gì có thể hội họp tại đây. Thêm nữa, đây là cũng là nơi thờ cúng ông bà tổ tiên của ông Hường. Khi dịch dã không có nhiều việc làm, ông Hường thường hay ra lán hỏi thăm bà con cũng như trông nom hương khói cho các cụ.

Suốt mấy năm qua, ông Hường lặn lội đi thăm các làng chài khác ở Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận, thấy có nơi đã không còn cảnh ăn ngủ dưới thuyền nữa, có nơi vẫn còn nhưng địa phương cũng đã có chủ trương đưa bà con lên bờ. “Vừa rồi, tôi cũng đi tìm gặp luật sư để hỏi cách đề nghị chính quyền hỗ trợ đất đai cho bà con. Thực sự không đâu khổ như dân chài chúng tôi. Riêng anh em, họ hàng nhà tôi vẫn chủ yếu sinh sống ở dưới kia”, ông nói rồi chỉ tay ra phía sông.

Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời chiếu sáng toàn bộ làng chài, những chiếc thuyền của những hộ dân đêm qua đi đánh lưới cũng đã về. Một số ngư dân đã lên bờ lấy xe cho kịp buổi chợ sớm.

Trước khi chia tay làng vạn chài, chúng tôi ghé thăm khoang thuyền của bà Hồ Thị Vinh. Bà Vinh đã hơn 70 tuổi, bà sống một mình trên con thuyền nhỏ. Các con, cháu của bà ở những nhà thuyền neo đậu bên cạnh. Trước đây, bà vẫn đi làm thêm cắt cỏ thuê, công 200 nghìn đồng/ngày. Nay dịch bệnh, không ai thuê, bà chỉ loanh quanh trên thuyền trông các cháu. Bà Vinh sợ nhất là mưa bão vì chồng bà, ông Nguyễn Văn Đen đã mất vì trận bão cách đây 7 năm. Khi đó, ông đã bị tai biến, cơn bão mạnh khiến thuyền lật úp. Mọi người vớt ông lên, ông chỉ gắng gượng được vài hôm rồi đi. “Tôi mong chính quyền tạo điều kiện cho mỗi hộ có vài chục mét đất để lên bờ. Các cháu không còn phải lo chạy trốn những cơn bão, được học hành đến nơi đến chốn”, bà Vinh mong mỏi.

MỚI - NÓNG