Làng anh, làng em

Làng anh, làng em
TP - Ở đất Hiệp Hòa, Bắc Giang, có những làng mà trai gái không bao giờ lấy nhau. Họ coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà…

> Lạ kỳ hai làng hàng trăm năm trai gái không lấy nhau

Từ tục kết chạ

Làng Nga Trại và làng Đông Lâm cùng ở xã Hương Lâm, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Theo các cụ cao tuổi ở đây kể lại, cách đây đã hàng trăm năm, làng Nga Trại khi đó mới được thành lập nên còn nhiều khó khăn. Người dân làng Đông Lâm thấy vậy đã thường xuyên giúp đỡ.

Cảm động trước những việc ân nghĩa ấy, người làng Nga Trại xin được kết chạ (kết nghĩa) với Đông Lâm. Cụ Nguyễn Hữu Trừ (80 tuổi, thôn Nga Trại) cho biết, dù kết nghĩa anh em nhưng hai làng không phân biệt đâu là làng anh, đâu là làng em. Tức người của làng này gọi người kia là anh (chị) và xưng em một cách trân trọng.

Cũng từ đó, hương ước của hai làng định ra lệ 6 năm một lần đón nhau, mỗi năm một lần đến với nhau. Trong những ngày gặp gỡ ấy, bên khách cử ra 10 người bao gồm đại diện các cụ, thanh niên, chính quyền thôn và nhất thiết phải có cụ quan đám (người trông coi đình làng) mang theo một đôi sáp (nến), một thẻ hương, cau trầu… mang đến biếu chủ nhà.

Để tỏ lòng chân thành, chủ nhà cử thành phần tương tự như bên khách và ra tận cổng làng đón cùng vào đình cúng tế. Hiện nay hai làng vẫn giữ được lệ đón nhau vào ngày 10 và 12/9 (âm lịch) hàng năm như một biểu tượng trường tồn của tình cảm hai bên.

Cũng là kết chạ nhưng hai làng Xuân Biều và Cẩm Xuyên (xã Xuân Cẩm, Hiệp Hòa) lại hơi khác với Nga Trại - Đông Lâm một chút. Theo cụ Ngô Đình Kế, 90 tuổi (thôn Xuân Biều), một số người làng Xuân Biều xưa theo Đức Thánh Tam Giang ngược dòng lên khai khẩn đất mới và lập ra làng Cẩm Xuyên.

Do cùng chung thành hoàng làng, cùng xuất phát là đất Xuân Biều nên hai làng kết chạ với nhau. Ở đây định rõ, làng Xuân Biều là làng anh, Cẩm Xuyên là làng em. Cùng sáp tuổi với nhau thì người làng Cẩm Xuyên luôn cung kính gọi người Xuân Biều là anh, chị, không dám sai lời.

Ngoài hai cặp làng kể trên, dọc bờ sông Cầu người ta còn thấy làng Hương Câu kết chạ với làng Phúc Linh (xã Hương Lâm), làng Trâu Lỗ (xã Mai Đình, Hiệp Hoà) kết chạ với làng Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội). Không chỉ là sự kết giao trên hương ước mà đó còn là tình cảm thực sự của hai làng, một thứ tình cảm được hun đúc bằng sự nâng niu trân trọng của tất cả những người ở hai cộng đồng dân cư khác nhau.

Giúp nhau phát triển

Những làng đã kết chạ với nhau có một thứ lệ bất thành văn. Suốt hàng trăm năm nay, khi làng này có việc thì làng kia vội vã cử người, mang phương tiện, tiền bạc đến giúp đỡ.

Ông Nguyễn Văn Uyên (75 tuổi), làng Nga Trại kể: “Lúc thời vụ, hai làng cho nhau mượn trâu bò để cày, cấy. Có năm bên Đông Lâm ngập lụt, làng tôi cử hàng trăm người sang hộ đê, cứu lúa, chạy lụt. Ngày Nga Trại làm đình, bên làng anh lại giúp hàng chục triệu đồng mà không hề tính toán gì. Đến khi nộp thuế, nếu làng này thiếu thì làng kia sẵn sàng cho vay để nộp đúng, nộp đủ cho nhà nước”.

Cụ Ngô Đình Kế đang kể lại chuyện kết chạ giữa hai làng
Cụ Ngô Đình Kế đang kể lại chuyện kết chạ giữa hai làng.

Cụ Kế nhớ lại: “Năm 1995, khi ngôi đình Xuân Biều xuống cấp, Cẩm Xuyên cử người đến làm cùng. Đến khi Cẩm Xuyên xây dựng đình thì Xuân Biều lại cung cấp miễn phí toàn bộ ngói làm đình và đóng góp hàng trăm ngày công để nâng nền đình lên 3 mét so với trước đây”. Cứ như thế, họ giúp đỡ nhau trong mọi công việc với một tinh thần vô tư, không tính toán thiệt hơn.

Đặc biệt, mỗi khi Tết đến, xuân về, những người dân ở hai làng lại tất bật dọn dẹp nhà cửa, trữ nhiều thức ăn Tết với sự mong chờ những người anh em ở các làng kết chạ tới thăm. Ai cũng muốn đón người anh em về nhà mình để ăn, ở, kể cả có thể chưa biết người đó bao giờ.

Trai gái không lấy nhau

 “Tục lệ ấy khiến con người cảm thấy yêu thương, trân trọng nhau hơn. Đó là một nét văn hóa không dễ gì có thể giáo dục theo cách thông thường” 

Ông Ngô Đình Dũng, Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa, Bắc Giang)

Trong giao tiếp, người dân hai làng nhất mực cung kính với nhau nhưng trai, gái hai làng không bao giờ được lấy nhau. “Xuất phát từ ý nghĩa của việc kết chạ tức là coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà. Mà đã như thế thì không bao giờ được lấy nhau. Ngay từ khi còn nhỏ, các cháu ở hai làng đã được dạy rằng đó là người anh, người em của mình nên cũng rất ý thức trong quan hệ. Tôi đã 90 tuổi nhưng chưa từng thấy cuộc hôn nhân nào giữa người hai làng cả”- cụ Kế cho biết.

Nguyễn Văn Khảm, 28 tuổi, người làng Nga Trại kể: “Con gái Đông Lâm xinh đẹp, giỏi giang có tiếng trong xã. Lúc mới đi học, em cũng từng thích một cô hoa khôi trong trường. Nhưng khi biết là người Đông Lâm, tự nhiên tình cảm có sự thay đổi. Em cảm thấy mình phải có trách nhiệm cư xử như một người em với chị mình”.

Vậy phải chăng có sự cấm đoán nào đó chăng? Hỏi các cụ mới biết, việc trai, gái hai làng không lấy nhau chưa hề được ghi trong hương ước nhưng cứ đời nọ truyền đời kia. Những phong tục truyền miệng ấy còn có sức mạnh ghê gớm hơn rất nhiều so với quy định bằng văn bản.

Ông Ngô Đình Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Cẩm xác nhận: “Tôi chưa bao giờ thấy con trai, con gái hay làng Xuân Biều, Cẩm Xuyên lấy nhau cả. Xã không hề cấm việc kết hôn nhưng mặt khác chúng tôi tôn trọng những quy tắc truyền thống giữa hai làng”.

Dẫu trai gái hai làng không lấy nhau nhưng người dân hai làng luôn dành những tình cảm chân thành cho nhau. Nhiều trường hợp thanh niên trong làng này thuộc dạng nghịch ngợm, nổi tiếng ương bướng, thậm chí thường xuyên gây sự đánh nhau với cả người trong làng nhưng khi gặp người làng kết chạ thì lại luôn đối xử một cách hòa nhã.

Thi thoảng có nhóm thanh niên ở hai làng không biết đã gây sự với nhau, nhưng khi biết là người làng kết chạ thì lại đổi giận làm lành, bắt tay, xin lỗi nhau. Trường hợp quá căng, không tự giải quyết được thì cán bộ thôn, già làng phải sang làng kết chạ xin lỗi.

Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. Ông Dũng chia sẻ: “Kết chạ không chỉ giúp cho tình hình an ninh, trật tự giữa các thôn này luôn ổn định mà còn tạo nên một khối đoàn kết vững chắc. Đồng thời, tục lệ ấy khiến con người cảm thấy yêu thương, trân trọng nhau hơn. Đó là một nét văn hoá không dễ gì có thể giáo dục theo cách thông thường được”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.