Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina. (Ảnh: Reuters) |
Động thái này diễn ra sau khi Bangladesh chìm trong các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần, được cho là khiến hàng trăm người thiệt mạng. Ngày 5/8, người biểu tình quá khích đã xông vào dinh thự thủ tướng ở thủ đô Dhaka.
Trong một cuộc họp báo khẩn cấp, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh Waker-uz-Zaman tuyên bố bà Hasina đã từ chức và một chính phủ lâm thời mới sẽ được thành lập để điều hành đất nước.
Ông kêu gọi người biểu tình giải tán và về nhà, yêu cầu người dân duy trì niềm tin vào quân đội - lực lượng sẽ nỗ lực khôi phục hòa bình.
Người biểu tình bắt tay binh sĩ ở Dhaka. (Ảnh: Reuters) |
Ông Zaman cam kết, rằng cơ quan chức năng sẽ điều tra tất cả các trường hợp tử vong liên quan đến làn sóng biểu tình. Ông thuyết phục người biểu tình cho quân đội "một chút thời gian" để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Ông cũng cho biết, đại diện tất cả các đảng phái chính trị chính của Bangladesh đã được mời hợp tác thành lập chính phủ lâm thời, và hiện đang thảo luận với quân đội.
Tổng tư lệnh quân đội nhấn mạnh không cần phải áp dụng lệnh giới nghiêm hoặc tình trạng khẩn cấp trong nước, tuyên bố rằng ông đã ra lệnh cho quân đội không sử dụng vũ lực và yêu cầu những người biểu tình giúp lập lại trật tự.
Người biểu tình ăn mừng ở Dhaka sau khi bà Hasina từ chức. (Ảnh: Reuters) |
(Ảnh: Reuters) |
Thông tin về việc Thủ tướng Hasina từ chức dường như đã có tác động nhất định với những người biểu tình. Nhiều người đã reo hò trên đường phố sau thông báo của ông Zaman.
Tuy nhiên, phong trào Sinh viên Chống phân biệt đối xử - nhóm đi đầu trong các cuộc biểu tình chống chính phủ - đã phản ứng trước tuyên bố của chỉ huy quân đội, nói rằng họ phản đối chính quyền quân sự. Nhóm này nhấn mạnh, rằng quyền lực phải được trao cho "sinh viên và công dân cách mạng". Bất kỳ kịch bản nào khác sẽ "không được chấp nhận".
Các lãnh đạo của phong trào đã yêu cầu trong một bài đăng trên Facebook, rằng tất cả "người vô tội" và "tù nhân chính trị" phải được thả tự do trước cuối ngày. "Không ai được rời khỏi đường phố nếu không giành được chiến thắng cuối cùng", nhóm này cho biết.
Các cuộc biểu tình của sinh viên nổ ra vào tháng trước, sau khi Tòa án tối cao Bangladesh thông qua chính sách việc làm gây tranh cãi. Chính phủ của Thủ tướng Hasina đã đáp trả các cuộc biểu tình bằng cách áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, cắt mạng internet di động, đóng cửa các trường đại học, huy động quân đội và cảnh sát chống bạo động để giải tán đám đông.