Lan rừng ngập phố

Gần tết, nhiều khách mua lan rừng
Gần tết, nhiều khách mua lan rừng
TP - Lan rừng Tây Nguyên không chỉ thu hút người sành hoa trong khu vực, mà dân chơi cây cảnh các tỉnh xa cũng thích thú. Gần Tết lan rừng lên giá vì khách mua nhiều.

Tấp nập chợ lan rừng

Những ngày đầu tháng Chạp, chợ lan rừng tự phát dọc các tuyến đường Phan Đình Giót, Lê Duẩn, Ngô Quyền... nội thành Buôn Ma Thuột tấp nập kẻ bán người mua. 

Chúng tôi đến chợ lan rừng nằm ở vỉa hè đường Phan Đình Giót. Anh Y Basimon, 42 tuổi, ngụ thôn 4, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột đang tư vấn cho khách đặc tính từng loại lan. Hơn 5 năm đi rừng hái lan và gùi ra phố bán, anh Y Basimon hiểu rõ giá trị của từng loại lan. Anh chỉ tường tận các loại lan mà anh đang bán mà khách hàng ưa chuộng như Hoàng Thảo, Thủy Tiên, Kim Điệp, Dã hạt, Lan đuôi mèo, Nghinh xuân, Đuôi cáo, Mỹ nhung, Giã hạc, Hoàng phi hạt, Lan tre…

Anh Y Basimon kể, người đi rừng lấy lan thường tập trung thành từng nhóm, mang theo cơm nắm, khoai, sắn và các dụng cụ như dao, cưa tay vào rừng ở khoảng 3 - 5 ngày. Mỗi chuyến lấy được 3 - 4 kg, nếu nhập cho lái buôn, giá 200 - 500 nghìn đồng/kg, nếu mang ra chợ ngồi bán lẻ thì lời gấp đôi. “Lan rừng hiếm dần nên muốn lấy được lan quý phải vào tận rừng sâu Ea Súp, Krông Bông. Lan rừng thường sống trên các cây cổ thụ rất cao, phải giỏi trèo mới lấy được hoặc cưa cành xuống”, anh Y Basimon kể.

Ngót gần chục năm đi lấy lan rừng, chị H’Trang Êban, 25 tuổi, ngụ thôn 6, xã Cư Ê bua, kể: Lan rừng bán chạy quanh năm, chưa có ngày nào ế hàng. Dịp gần Tết khách mua đông, giá cao hơn! Cao giá nhất là các loại lan Nghinh xuân, Phi điệp vì quan niệm mang lại may mắn, khi hoa nở đúng vào dịp Tết.

Đi rừng lấy lan dễ gặp nhiều rủi ro! Chị H’Trang còn nhớ như in cú té từ độ cao 10m của anh Ama Miu, 27 tuổi, buôn Ea Bông, xã Cư Êbua, khiến anh phải nằm viện hơn nửa năm. Hôm đó, Ama Miu đang trèo lên một cây cổ thụ để cưa cành lan rất đẹp, không may đạp phải cành khô rơi xuống đất bất tỉnh. May chưa mất mạng!

Nguy cơ xóa sổ

Khách chơi lan rừng ngày càng nhiều, đội ngũ săn lan ngày càng đông, nên lan trong tự nhiên không sức nào mọc kịp.

Ngay từ đầu mùa khô, chị L.T.T. Vân ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đã tranh thủ đi lấy lan rừng cung cấp cho các mối lấy hàng ở tỉnh xa. Chị Vân là một đông y sĩ, thường xuyên đi khắp các khu rừng lấy cây thuốc nên khu rừng nào nhiều lan và gồm những loại lan gì chị nắm rất rõ. Lan rời thì chị xé nhánh ra trồng vào chiếc chậu bằng nhựa hoặc đất nhỏ, tưới cho lan sống rồi bán với giá 250.000 - 350.000 đồng/chậu tùy từng loại, còn các giò lan chị để nguyên chăm sóc. 

Trồng lan rừng không khó, lan rời thì chỉ cần mua chậu đất nhỏ và vỏ dừa khô cho lan vào trồng, tưới nước đều đặn hằng ngày lan sẽ nhanh mọc rễ. Còn đối với các giò lan hiếm, mọc sẵn trên các cành cây thì để nguyên cả giò treo ngoài trời làm cảnh. Thú chơi lan rừng thỏa mãn ý thích của dân chơi, nhưng lại ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, khiến lan rừng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

 Ông Y Sy- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Việc người dân lấy lan rừng là vi phạm luật quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, khiến nhiều loại lan rừng đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Chi cục Kiểm lâm đã và đang chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuần tra, ngăn chặn hành vi khai thác lan rừng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên trước mọi sự xâm hại.

 Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.