Theo số liệu của Cục Thống kê Đà Nẵng vừa công bố, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm nay ước tính giảm 3,61% so với cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Lần đầu tiên trong lịch sử
Cùng với Quảng Nam, Đà Nẵng là địa phương tăng trưởng âm trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong khi đó, ở phạm vi cả nước, Đà Nẵng là 1 trong 12 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2020 (xếp trên Khánh Hòa -12,02%; Quảng Nam -11,51%; Bà Rịa - Vũng Tàu -6,87%; Hòa Bình -6.51%).
Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt hơn 51 nghìn tỷ đồng, giảm 917,6 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019. Trong đó, khu vực dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với 758,1 tỷ đồng. Trong mức sụt giảm chung của toàn nền kinh tế thành phố, khu vực dịch vụ giảm 4,62% (chiếm 2,98 điểm phần trăm trong mức giảm chung). Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 1,66 triệu lượt, trong đó khách quốc tế chỉ đạt 324 nghìn lượt…
“Đây là lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đà Nẵng có mức tăng trưởng âm là bởi vì khu vực dịch vụ - khu vực kinh tế mũi nhọn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID - 19, làm suy giảm động lực phát triển chung của toàn nền kinh tế”, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, nói.
6 giải pháp
Theo ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, sau khi dịch COVID - 19 được kiểm soát, Sở Du lịch phối hợp Hiệp hội Du lịch, Hội Lữ hành và các doanh nghiệp triển khai các chương trình kích cầu du lịch, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng… Cục Thống kế Đà Nẵng cũng đề xuất 6 giải pháp chung để khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Các giải pháp bao gồm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; giải tỏa điểm nghẽn về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính; đẩy mạnh nông nghiệp theo hướng hữu cơ; triển khai hỗ trợ vay vốn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh...
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, nói: “Kỳ họp tới HĐND thành phố sắp tới, thành phố Đà Nẵng sẽ rà soát những dự án trọng điểm để đầu tư kịp thời, lấy ngân sách, đầu tư công thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tháng 9 tới, Đà Nẵng sẽ tổ chức diễn đàn thu hút đầu tư, một số dự án lớn sẽ được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thành phố nỗ lực để đảm bảo đà tăng trưởng như nghị quyết mà thành phố đã đề ra”.
Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm nay là lĩnh vực đầu tư. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước tính giảm 8,07%, nhưng vốn thực hiện thuộc khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lại tăng 86,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.190 tỷ đồng.