Lấn chiếm di tích quốc gia: Văn Miếu không phải là duy nhất

TP - Vụ việc người dân tự ý tôn tạo, cơi nới đền thờ trên hồ Văn thuộc khu di tích quốc gia Văn Miếu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc các di tích quốc gia bị xâm phạm. Điều đáng nói, Văn Miếu không phải là trường hợp duy nhất, trước đó đã có rất nhiều ví dụ tương tự.

Một cán bộ Cục di sản cho biết, riêng trong năm 2015 Cục đã phải “đau đầu” vì hai cụm di tích quốc gia nổi tiếng vị xâm hại là chùa Hương chùa Trăm gian, ngoài ra ba di tích quốc gia đặc biệt cũng chung số phận gồm: Yên Tử, khu lăng mộ vua Trần ở Đông Triều và đền Trần Thái Bình. Những vi phạm đa dạng và phức tạp đến nỗi “chỉ đi xử lý cũng hết năm”.

Lấn chiếm di tích quốc gia: Văn Miếu không phải là duy nhất ảnh 1

Nghiêm hương pháp đường hoàn toàn mới cạnh chùa Thiên Trù.

Dân vẫn xin làm lễ hô thần nhập tượng

Theo tài liệu mới nhất của Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám: vào năm 1996 tại gò Kim Châu trên hồ Văn đã có phương án xây dựng một tòa phương đình. Dự án chưa được triển khai. Sau đó, mới xuất hiện đền thờ Tam tòa Thánh Mẫu do cụ bà Nguyễn Thị Hội tự ý xây dựng và trông nom hương khói. Trong các tài liệu bàn giao cũng xác nhận: đền thờ trên hồ Văn không có trong hồ sơ xếp hạng di tích.

Khi cụ Hội mất, con cháu cụ muốn sửa chữa, tôn tạo lại ngôi đền và xảy ra sự việc ngày 13/9: một số người dân chở vật liệu xây dựng vào gò Kim Châu để xây dựng, sửa chữa điện thờ trái phép. Ngay sau đó, Ban quản lý di tích đã can thiệp để dừng việc xây dựng và vấp phải phản ứng dữ dội từ phía người dân. Vụ việc căng thẳng đến mức UBND Thành phố Hà Nội phải chỉ đạo “giải quyết triệt để tình trạng xâm hại di tích, giải tỏa hoạt động xây dựng trái quy định tại khu vực di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)” và yêu cầu các đơn vị liên quan phải báo cáo kết quả nội trong tháng 10.

Sau đó, việc cưỡng chế phá bỏ phần xây mới tạm thời hoàn thành. Nhưng đến ngày 3/11, theo chia sẻ của ông Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) người dân vẫn gặp ông xin phép để làm lễ hô thần nhập tượng nhằm khôi phục lại việc thờ cúng như trước kia. Ông Kiêu từ chối.

Hiện nay, Ban quản lý tạm thời khóa tất cả các cửa vào Hồ Văn và tăng cường bảo vệ lên hai người. Thậm chí công an phường cũng phải sẵn sàng để can thiệp trong trường hợp lại có những chuyện “tự ý” tương tự phát sinh.

Chúng tôi đã phỏng vấn 20 người dân xung quanh khu vực Văn Miếu, họ cho biết: chưa bao giờ vào cúng lễ trong ngôi đền trên gò Kim Châu. Một số người già kể: ngay trong Văn Miếu có ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu từ rất lâu rồi. Khi có chiến tranh, một số hạng mục ở Văn Miếu bị phá, riêng ban thờ Mẫu vẫn còn. Hiện nay, vào Rằm, mùng một, họ được phép vào cúng lễ mà không phải mất vé vào cửa. Ông Lê Xuân Kiêu cũng xác nhận thông tin này.

Lấn chiếm di tích quốc gia: Văn Miếu không phải là duy nhất ảnh 2 Bia “công đức” mới ở di tích đền Trần Thái Bình.

“Thói quen công đức”

Một người tham gia sửa chữa đền thờ trên gò Kim Châu ở ngõ 65 Quốc Tử Giám giải thích cho hành động “tự ý” của họ là “vì công đức”. Đây cũng là lý do rất thường gặp trong những vụ việc xâm lấn di tích tương tự: công đức bia, công đức tượng, công đức để xây nơi thờ tự mới… Nhiều người và cả ban quản lý di tích đơn giản cho rằng: đặt thêm bia hoặc tượng công đức là việc bình thường, thậm chí có nơi thích phá cũ làm mới cho kiên cố và hoành tráng. Rất nhiều khu di tích vì thế mà bị biến dạng, các yếu tố gốc cấu thành di tích bị thay bằng những giá trị mới chưa được kiểm định, nhiều khi lai căng, lòe loẹt.

Từ đầu năm 2014, tại khu di tích quốc gia đặc biệt Lăng mộ và đền thờ các Vua triều Trần (đền Trần Thái Bình) ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã đột ngột mọc lên 12 tấm bia bằng đá xanh ốp đồng có nội dung ghi bằng tiếng Anh, cao 2,7m, rộng 1,7m, chân bia cao 0,5m do hội đồng hương Thái Bình tại Cộng hòa Séc “công đức”. 

Dư luận phản đối một thời gian, Bộ VHTTDL mới tổ chức một đoàn nghiên cứu và kết luận: “Việc Ban quản lý di tích đền Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) cho phép đặt 12 tấm bia trong quần thể di tích đền Trần khi chưa lập hồ sơ khoa học, chưa được cơ quan chức năng thẩm định về nội dung, quy cách, hình dáng thẩm mỹ và chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép là việc làm vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa”. (Trích Công văn số 1992/ BVHTTDL-TTr).

Lấn chiếm di tích quốc gia: Văn Miếu không phải là duy nhất ảnh 3

Cận cảnh bia “công đức” hoàn toàn bằng tiếng Anh ở đền Trần Thái Bình.

Đầu năm 2015, Sở VHTTDL cũng đã phải nhúng tay giải quyết khu Nghiêm hương pháp đường mới “mọc” ở phía bên phải chùa Thiên Trù thuộc Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (gọi tắt là chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Thực ra công trình này được đưa vào sử dụng từ năm 2013. Nghiêm hương pháp đường được xây dựng khá công phu gồm ba tầng, trang trí đầu rồng cả ở đường ống thoát nước mưa mà theo Phó Giáo sư Trần Lâm Biền: là một trang trí lai căng, khoe mẽ, gây phản cảm.

Cũng trong năm 2015, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm (Đơn vị được giao quản lý, vận hành, xây dựng khu danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh) đã tự ý phá dỡ công trình Nhà thờ Tam tổ Trúc Lâm tại nhà ga cáp treo số 1, tiến hành xây dựng công trình mới, rộng hơn, nhưng hoàn toàn xa lạ so với hạng mục cũ của khu di tích quốc gia đặc biệt được nhà nước xếp hạng.

Lấn chiếm di tích quốc gia: Văn Miếu không phải là duy nhất ảnh 4

Ống thoát nước hình đầu rồng ở Nghiêm hương pháp đường.

Xây dễ, bỏ khó

Tất cả những trường hợp vi phạm di tích đều có mẫu số chung là dân âm thầm làm, xây rất nhanh nhưng khi giải quyết đều vô cùng mất công và kéo dài.

Vụ sáu tấm bia ở đền Trần Thái Bình bắt đầu từ năm 2014, đến giữa năm 2015 mới có chỉ đạo “giải quyết”, và phải đi mất hai chặng đường. Ban đầu, Ban quản lý di tích chỉ di dời 6 tấm bia, xin giữ nguyên 6 tấm ốp đồng. Bộ VHTTDL phải làm tiếp công văn thứ hai gây sức ép yêu cầu di dời nốt 6 tấm bia còn lại, “những bảng công đức tiếng Anh” mới hoàn toàn bị loại bỏ.

Nghiêm hương pháp đường ở chùa Hương hiện tại không thể tháo dỡ vì sẽ “gây lãng phí”, song để chỉnh sửa, hợp lý hóa nó là cả một câu chuyện dài. Các hạng mục đề nghị chỉnh sửa không phải ít. GS Trần Lâm Biền đề nghị trồng nhiều cây xanh xung quanh để che và tách khối công trình này ra. Bỏ hết những con giống trang trí ở lan can thành bậc, trên nóc mái hay hệ thống thoát nước vì có hình dáng xa lạ với truyền thống của người Việt. Các đầu trụ lan can giống đền, cung điện Trung Quốc cũng phải thay bằng những con trụ đặt bộ lá sen úp có đường gân. Tháp 11 tầng phải bỏ và thay bằng các chậu hoa.

Riêng vụ việc ở gò Kim Châu, Văn Miếu đã oanh động đến cả UBND Thành phố Hà Nội và hàng loạt cơ quan ban ngành: Sở Văn hóa Hà Nội, UBND Quận Đống Đa, UBND Phường Quốc Tử Giám, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, Quốc Tử Giám. 

Lãnh đạo Sở Văn hóa Hà Nội cũng kết luận: hành vi trên là xâm hại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vi phạm Luật Di sản văn hóa. Song sự việc không vì thế mà có thể giải quyết đơn giản. Buổi sáng có cưỡng chế dừng xây, buổi tối người dân vẫn lén bắc thang mang vật liệu xây dựng vào. Bảo vệ đi kiểm tra bị tố “không ai được ra vào mà mất mấy trăm triệu trong hòm công đức”. Yêu cầu “giải quyết triệt để” của UBND Thành phố chỉ được người dân tạm thời thỏa hiệp khi đưa ra dự án xây dựng phương đình trong tương lai.

Một cán bộ thuộc ban quản lý di tích chia sẻ: Các vụ việc vi phạm di tích (xây dựng trái phép, lấn chiếm, tự ý tu bổ, thay tượng mới v.v…) hầu như diễn ra ở khắp các nơi. Chỗ nào càng thiêng, càng đông thì việc xảy ra càng nghiêm trọng. Người ta xây một ban thờ mới, đặt một hòm công đức mới có thể thu hàng trăm triệu một năm mà nếu có bị phát hiện cũng chả mất gì, cùng lắm là xử phạt hành chính. 

Theo quan sát của anh, tất cả những vi phạm phải nhờ đến Trung ương chỉ đạo, nhanh cũng phải mất ba đến năm tháng mới giải quyết xong, chậm thì cả năm hoặc thậm chí biến tướng sang kiểu khác. Còn những di tích bị xâm hại mà chưa được công luận biết thì nhiều vô kể. Cứ đà này, chỉ dăm chục năm nữa, các di tích lịch sử văn hóa sẽ bị biến tướng, không còn giữ được giá trị gốc của nó nữa”.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.