“Làm xiếc” với xe đạp không phanh

Thú chơi rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường.
Thú chơi rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường.
TP - Những chiếc xe đạp tối giản, trông như chỉ có khung và hai bánh, ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ ở TPHCM. Sau vài lần ngã, người chơi có thể biểu diễn đi lùi, quay tròn, vượt chướng ngại vật hoặc cho xe không phanh đứng im một chỗ.

Fixed Gear là loại xe đạp có líp được gắn “chết” vào bánh sau, loại bỏ nhiều linh kiện như phanh, chắn xích, chắn bùn… Tuy nhiên, người dùng thường “độ” thêm chi tiết, phối màu sơn, vẽ lên xe để tạo nét riêng. Fixed Gear được phát triển từ loại xe đạp lòng chảo nên có cấu tạo khá giống loại xe này.

Ngã như trời giáng để “nhập môn”

Từng có thời gian sinh sống ở Tây Ban Nha và tiếp cận Fixed Gear từ nhỏ, anh Lê Văn Luận, chủ nhiệm CLB Fixed Gear Sài Gòn, nói rằng, thời gian mới về Việt Nam, anh chưa thấy ai chơi loại xe này. “Khi không có xe, mình cảm thấy như thiếu cái gì đấy. Trong một lần du lịch tại Thái Lan, thấy có bán loại xe này, nên mình mua một chiếc về chơi”, anh Luận kể. Sau đó thấy nhiều người muốn sở hữu Fixed Gear, anh nhập xe về bán. Anh Luận vừa bán xe vừa hướng dẫn người mua cách sử dụng, nên ngày càng nhiều người biết và tìm đến. “Fixed Gear không giống như xe đạp bình thường. Phần líp sau được gắn cố định vào bánh nên muốn xe di chuyển chỉ có một cách duy nhất là đạp xe. Cũng vì líp gắn cố định vào bánh sau nên ta có thể điều khiển xe chạy tới, chạy lùi hay nháy chân cho xe đứng im”, anh Luận nói.

Theo anh Luận, với những người chơi Fixed Gear thành thạo, việc vê đuôi, bốc đầu, quay tròn xe hoàn toàn nằm trong tầm tay. “Để thực hiện một cú vê đuôi, trước hết phải đạt được tốc độ cao cần thiết, khi đang chạy cực nhanh, bạn ngừng đạp, toàn bộ trọng lượng và sức lực dồn vào đôi chân để phanh xe, người nhoài về trước để thực hiện cú rê ngoạn mục”, anh chia sẻ. Người nào có năng khiếu thì tập 1-2 ngày là có thể điều khiển xe đi nhanh, chậm, dừng, thậm chí vê đuôi, bốc đầu hay quay tròn. Tuy nhiên, theo anh Luận, với những người không có năng khiếu, chân yếu thì học hàng tháng trời, thậm chí chơi cả năm, cũng chỉ cho xe chạy được, chứ không thể biểu diễn.

“Với những người mê Fixed Gear thực sự thì đây không phải là thú chơi bình thường mà còn là niềm đam mê, sáng tạo, mạo hiểm. Kèm theo đó là rèn luyện sức khỏe và cao hơn là truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường. Cứ thứ Sáu hằng tuần, câu lạc bộ tập hợp lại với nhau đạp xe quanh các quận trung tâm thành phố vừa để rèn luyện vừa kêu gọi mọi người tham gia bảo vệ môi trường” 

Anh Lê Văn Luận, Chủ nhiệm CLB Fixed Gear Sài Gòn

Chơi Fixed Gear thì việc phải chấp nhận những cú ngã như trời giáng để “nhập môn” là chuyện thường. Anh Vinh Nguyễn, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng đồng hồ, khách sạn lớn ở TPHCM, nói rằng, anh biết đến Fixed Gear hơn một năm nay; để chơi xe không phanh, cần có chút máu phiêu lưu, mạo hiểm. Thời gian mới tập Fixed Gear, ai cũng bị ngã dăm ba lần, thậm chí vài chục cú ngã mới kiểm soát được xe. “Thời gian mới tiếp xúc mình thấy khá ngại vì ai tập cũng ngã lên ngã xuống, trầy đầu gối, xước tay là chuyện bình thường. Vì thế, khi tập phải mang bao tay, mũ bảo hiểm, những anh em chơi xe cũng ngã chào sân mấy ngày đầu tập luyện. Khi đã kiểm soát được chiếc xe thì cảm giác phiêu với nó là cực kỳ sảng khoái. Từ khi chơi Fixed Gear, tôi cảm thấy mình khỏe hơn, linh động hơn, giảm vòng bụng và huyết áp ổn định hơn”, anh Vinh cho biết.

Xe không có phanh nên những người mới chơi khó kiểm soát tốc độ. “Khi xe đang chạy nhanh, muốn phanh lại chỉ có cách dùng toàn bộ sức lực của đôi chân ghì bàn đạp lại, nhoài người để giữ thăng bằng, dồn hết trọng lực vào đôi chân để phanh xe. Phải tốn một thời gian luyện tập cho đôi chân nhuần nhuyễn, chuyển cảm giác cho đôi chân để kiểm soát chiếc xe”, anh Luận nói.

Theo anh Luận, ở nước ngoài, người ta sử dụng Fixed Gear như một phương tiện giao thông hằng ngày. Loại xe này trở thành công cụ kiếm cơm của hơn 1.500 người đưa thư, bưu phẩm ở New York (Mỹ). “Nếu bạn từng xem bộ phim “Premium rush” (Tốc độ kinh hoàng - 2012) thì sẽ thấy anh chàng đưa bưu phẩm sử dụng Fixed Gear thành thạo đến mức nào. Việc kiếm tiền phụ thuộc hoàn toàn vào đôi chân anh ta. Hằng ngày, anh ta phải đạp, đạp và đạp không ngừng để xe đạp của mình len lỏi trong dòng ô tô đang kẹt cứng để giao hàng đến nơi đúng từng giây từng phút”, anh Luận nói.

“Làm xiếc” với xe đạp không phanh ảnh 1

Pha biểu diễn của một thành viên Fixed Gear Sài Gòn.

Nhiều cách nhìn về Fixed Gear

Fixed Gear có giá vài ba triệu đồng một chiếc, những xe “độc” có thể được bán với giá hàng trăm triệu đồng. Anh Luận cho biết, anh hiện có hệ thống cửa hàng chuyên bán loại xe đạp này tại TPHCM, hàng được nhập từ Trung Quốc và Thái Lan với nhiều mức giá khác nhau, phù hợp với sinh viên, nhân viên, doanh nhân, nam, nữ…

Theo anh Vinh, vẫn có thể gắn phanh vào Fixed Gear, có người gắn phanh vào nhưng không bao giờ dùng đến. Anh Vinh nói: “Fixed Gear hấp dẫn ở sự đơn giản nên mọi người thỏa sức độ thêm những chi tiết, vẽ hay sơn vào để tạo sự khác biệt cho chiếc xe của mình. Có người không mua hẳn một chiếc xe mà mua nơi này chiếc ghi-đông, nơi kia bộ khung, chỗ khác hai cái bánh về lắp ráp lại với nhau, thậm chí vẽ, sơn những màu sắc sặc sỡ. Đây là điểm mà các dòng xe khác không thể làm được”.

Từ khi chơi Fixed Gear, anh Vinh quen được nhiều bạn cùng sở thích. Mới đây, anh may mắn được tham dự cuộc đua Criterium ở Thái Lan và học hỏi kinh nghiệm của các tay đua Fixed Gear hàng đầu thế giới. “Đối với loại xe đạp này thì màu sắc khung sườn, tay lái và hai bánh xe là thứ ấn tượng dễ nhận diện nhất, kế đến là bộ bánh răng, sên dĩa”, anh Vinh chia sẻ.

Là thành viên nữ đầu tiên tham gia nhóm Fixed Gear Sài Gòn, sinh viên Phạm Thiên Thanh tỏ ra khá hào hứng với loại xe này. Thanh nói: “Mình thấy mê loại xe này bởi màu sắc và sự mới lạ của nó. Lần đầu tiên nhìn thấy nhóm chơi xe này đẹp quá nên mình mê luôn, rồi lân la làm quen xin học và nhập nhóm luôn”. Thành viên Lê Văn Việt từng chơi những môn thể thao khác tương tự Fixed Gear nên việc học loại xe đạp này đối với anh không khó khăn. Anh chỉ mất hai ngày tập luyện là đã thành thạo việc điều khiển. Theo anh Việt,  việc phanh xe, chạy nhanh hay chậm, tiến hay lùi phụ thuộc hoàn toàn vào mình nên khi vượt qua được chướng ngại vật, anh cảm thấy rất thoải mái với chút mạo hiểm trong đó. Anh Luận cho biết, phong trào chơi Fixed Gear đang phát triển mạnh, nhưng không ít bạn trẻ đi loại xe này ra đường bốc đầu, lạng lách gây nguy hiểm cho người khác, khiến Fixed Gear trở nên méo mó trong mắt nhiều người đi đường.

Thời gian mới tập Fixed Gear, ai cũng bị ngã dăm ba lần, thậm chí vài chục cú ngã mới kiểm soát được xe. Người nào có năng khiếu thì tập 1-2 ngày là có thể điều khiển xe đi nhanh, chậm, dừng, thậm chí vê đuôi, bốc đầu hay quay tròn. Những người không có năng khiếu, chân yếu thì học hàng tháng trời, thậm chí cả năm trời, cũng chỉ cho xe chạy được, chứ không thể biểu diễn. 

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.