Làm thế nào để 'chiến đấu' với ho và sổ mũi mùa lạnh?

Làm thế nào để 'chiến đấu' với ho và sổ mũi mùa lạnh?
Mùa đông, hầu hết chúng ta dễ bị một, hai đợt cảm lạnh hay cảm cúm, thậm chí theo thống kê cuộc đời mỗi con người có tới 5 năm dành cho hắt hơi, ho mà không phụ thuộc vào thời tiết. Hãy xem các chuyên gia về virus và dị ứng thời tiết hàng đầu của Vương quốc Anh đưa ra lời khuyên về việc này.

Trong tiết trời lạnh, vì xung quanh chúng ta luôn có hơn 200 loại virus cảm lạnh “bủa vây” nên không có gì ngạc nhiên là nhiều người không chống đỡ nổi. Virus lây truyền qua không khí hoặc tiếp xúc. Một lần hắt hơi, ai đó có thể gửi 100.000 con virus lan vào không khí trong vòng bán kính khoảng 3,5 mét và chúng có thể tồn tại đến 48 tiếng trên tay nắm cửa, điều khiển tivi hoặc lan can. Nếu tay ta chạm phải chỗ đó rồi vô tình đưa lên gần mũi, mắt hoặc miệng, virus có thể nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể, sử dụng các tế bào để nhân lên, đó cũng là lúc cơ thể bắt đầu có phản ứng, biểu hiện bằng những triệu chứng cảm lạnh điển hình.

Cường độ và cơ chế tấn công của virus ở mỗi người khác nhau, nên mức độ phản ứng với cùng một virus cảm lạnh cũng không giống nhau. Cũng có thể kể tới yếu tố di truyền khi bạn mang gene di truyền làm cho phản ứng biểu hiện mạnh hơn ví dụ tăng thân nhiệt hay hắt hơi dữ dội. Tuy nhiên, để phòng ngừa những cơn ho, sổ mũi mùa lạnh, hãy chú ý đến những điều sau:

Giữ ấm mũi. Giáo sư Ron Eccles từ Trung tâm Nghiên cứu Cảm lạnh thông thường tại Đại học Cardiff giải thích: Một trong những lý do khiến chúng ta hay bị cảm lạnh và cúm hơn trong mùa đông là mũi bị lạnh hơn nên nó bị giảm sức đề kháng trước nhiễm trùng. Nếu trời thực sự lạnh, đừng quên đeo khẩu trang bảo vệ và giữ ấm mũi mỗi khi ra ngoài.

Không bắt tay. Một nghiên cứu mới từ Đại học Aberystwyth cho biết, một cái bắt tay thật chặt và kéo dài khiến cho diện tích bề mặt tiếp xúc tăng lên nên truyền sang hầu hết vi khuẩn.

Chống khuẩn cho quần áo. Virus cúm có thể tồn tại ở môi trường nước đến 40 độ C, vì vậy nếu một người trong gia đình bạn bị cảm cúm, hãy giặt quần áo và ga giường của họ bằng nước nóng hoặc dùng dung dịch chống khuẩn.

Cắt giảm đường. Nghiên cứu tại Đại học Loma Linda ở California, Mỹ phát hiện ra rằng khi các tình nguyện viên tiêu thụ 100g đường, loại tế bào miễn dịch gọi là đại thực bào tiêu diệt được ít vi khuẩn hơn so với bình thường trong vòng 5 tiếng. Vì vậy, cắt giảm đường có thể tiếp thêm cơ hội cho tế bào miễn dịch.

Ngủ 8 tiếng. Ngủ chưa đầy 7 tiếng một đêm làm cho bạn tăng nguy cơ cảm lạnh gấp 3 lần so với những người ngủ 8 tiếng. Rối loạn giấc ngủ hoặc thiếu ngủ gây trở ngại cho hoạt động của một loại gene miễn dịch gọi là TLR-9, các chuyên gia tại Đại học Yale tại Mỹ cho biết.

Nguyên tắc cách 2 ghế. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, khả năng lây cảm cúm tăng đáng kể nếu bạn cách người nhiễm bệnh ở khoảng cách bằng 2 chiếc ghế. Vì thế, nếu thấy ai hắt hơi, ho bất thường, có thể chuyển chỗ hoặc mở cửa sổ vì qua thử nghiệm, chỉ cần ngồi cùng người bị bệnh cúm 90 phút trong xe hơi đóng kín, khả năng lây nhiễm tới 99,9% nhưng nếu mở cửa kính, tỷ lệ đó giảm xuống 20%.

Năng rửa tay. Dung dịch rửa tay có chứa 60 đến 80% cồn mới đủ mạnh để tiêu diệt virus gây cảm lạnh và cúm. Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyên nên rửa tay bằng xà phòng và nước mỗi khi ra ngoài về.

Rửa sạch mũi bằng nước muối ấm. Đây là một cách làm khá hiệu quả, theo thử nghiệm tại Đại học bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Chú ý là nước ấm và nhạt vừa.

Tập thể dục vừa phải. Nghiên cứu từ Đại học Loughborough cho biết, tập thể dục nhẹ nhàng có thể kích thích hệ miễn dịch, nhưng tập thể dục cường độ cao khoảng 90 phút lại giải phóng hormone stress và các phân tử kháng viêm có thể làm giảm khả năng miễn dịch, khiến bạn dễ bị cảm lạnh và cúm.

Bổ sung vitamin D. Vitamin D mức độ thấp có thể gây trở ngại cho phân tử chống khuẩn gọi là HCAP-18 vốn có tác dụng kích thích các tế bào miễn dịch. Nếu cơ thể thiếu vitamin D, nguy cơ bị cảm lạnh và cúm tăng ít nhất 30%.

Theo An ninh thủ đô
MỚI - NÓNG