Làm tăng biên chế 2 nghìn người?

Làm tăng biên chế 2 nghìn người?
TP - Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ làm phình bộ máy biên chế thêm khoảng 2.000 người.

> Gần 7 triệu ý kiến góp ý Luật Đất đai sửa đổi
> Đánh thuế lũy tiến dự án chậm tiến độ

Cán bộ địa chính tiếp nhận hồ sơ quyền sử dụng đất của dân. Ảnh: Thanh Hải
Cán bộ địa chính tiếp nhận hồ sơ quyền sử dụng đất của dân. Ảnh: Thanh Hải.

Bộ Tài chính vừa có một loạt văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Tài nguyên-Môi trường góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật Đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có phạm vi tác động rất rộng, trực tiếp và sâu sắc đến phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

So với luật hiện hành, dù dự thảo luật chi tiết hơn nhiều, nhưng không có nhiều nội dung đổi mới. Do đó, chưa giải quyết được các vấn đề lớn đang gây bức xúc trong đời sống kinh tế xã hội như: Thu hồi đất; bồi thường giải phóng mặt bằng; giá đất; giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý tranh chấp đất đai; cải cách thủ tục hành chính; tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực đất đai; tạo quỹ đất mới để phát triển kinh tế xã hội....

Đặc biệt, nhiều quy định của dự thảo Luật chủ yếu hướng tới tăng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tài nguyên môi trường nói chung và của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng trong quản lý nhà nước về đất đai, dẫn đến mâu thuẫn với một số luật hiện hành.

“Trường hợp nếu được ban hành sẽ gây ra trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các Bộ, ngành có liên quan theo phân công của Chính phủ, các Sở, ngành ở địa phương như chính sách tài chính đất đai và giá đất cụ thể của ngành tài chính; công chứng, chứng thực giao dịch đất đai của ngành tư pháp; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà của ngành xây dựng...

Nhiều quy định của dự thảo luật chưa được nghiên cứu toàn diện nên có sự thiếu đồng bộ, “khập khiễng” với các luật đang có hiệu lực thi hành”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết.

Bộ Tài chính cũng tỏ ra đặc biệt băn khoăn trước quy định tại khoản 1 điều 24 dự thảo. Theo đó, cơ quan quản lý đất đai và tổ chức dịch vụ công sẽ là “Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai được thành lập thống nhất từ T.Ư đến cơ sở, bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở T.Ư là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”.

Cơ quan này cho rằng, nội dung quản lý nhà nước về đất đai là rất rộng, mỗi nội dung chịu sự quản lý của các bộ, ngành khác nhau theo phân công của Chính phủ. Luật Đất đai hiện hành cũng không có quy định riêng về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai.

“Chỉ riêng với quy định này sẽ làm tăng bộ máy hành chính quản lý nhà nước về đất đai từ T.Ư đến địa phương thêm khoảng 2.000 người. Do đó, để tránh việc trùng chéo, không tăng bộ máy hành chính quản lý nhà nước về đất đai, Bộ Tài chính kiến nghị bỏ Điều 24”, đại diện Bộ Tài chính kiến nghị.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cũng bày tỏ những băn khoăn về nhiều quy định trong dự thảo. Theo ông, trong nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm 11 loại đất và có giá trị sinh lời, địa tô khác nhau và việc chuyển đổi mục đích sử dụng giữa các loại đất này trên thực tế thường phát sinh một khoản chênh lệch giá trị nhất định. Điển hình như khi chuyển đổi đất trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp sang đất trung tâm thương mại, dịch vụ....

Vì vậy, để tránh lỗ hổng chênh lệch giá phát sinh này, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần quy định đơn vị chuyển đổi phải nộp phần giá trị chênh lệch cho nhà nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG