Làm rõ 'lợi ích nhóm' trong lĩnh vực cấp nước

Người dân Hà Nội lo ngại về an ninh nước sạch sau sự cố nước sông Đà Ảnh: như ý
Người dân Hà Nội lo ngại về an ninh nước sạch sau sự cố nước sông Đà Ảnh: như ý
TP - Ngày 6/11, trao đổi với PV Tiền Phong bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, cần thanh tra làm rõ việc xác định chi phí, định giá nước và làm rõ xem, liệu có lợi ích nhóm trong việc này hay không.

- Ông đánh giá gì về thông tin có một tỷ phú Thái Lan đã mua 34% cổ phần của nhà máy nước sông Đuống?

+ Việc huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng nước sạch, tạo ra sức cạnh tranh lành mạnh và hạ giá thành là điều rất tốt. Phải tạo ra sự cạnh tranh, ai cung cấp nước sạch, chất lượng tốt hơn, giá thành hợp lý hơn thì nhà nước mua, dân mua…

Tôi cho rằng, cần xem việc cung cấp nước sạch cho người dân là vấn đề an ninh quốc gia. Dù ai đầu tư vào đầu tư lĩnh vực này cũng phải có tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng. Nhà nước quản lý nước như một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, như an ninh điện năng, an ninh lương thực. Vừa rồi một số đại biểu lo xu hướng như vụ sông Đà thì cần khắc phục cơ sở pháp lý, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện xử lý, sơ hở trong việc đấu thầu, quy định chuyển nhượng, mua bán… Có thể hạ tầng cung cấp nước như đường ống là một loại dịch vụ công ích của nhà nước và nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, không giao cho cơ sở sản xuất nước, tách sản xuất nước sạch với cung cấp, phân phối nước. Và theo tôi phải có kết nối liên vùng. Phải có phương án giải quyết vấn đề sự cố cung cấp nước sạch. Những gì xảy ra vừa qua chúng ta chưa có phương án nên bị động, lúng túng.

Làm rõ 'lợi ích nhóm' trong lĩnh vực cấp nước ảnh 1

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, 
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh

- Nhiều công ty nước sạch trước đây được nhà nước hỗ trợ lớn nhưng sau đó người ta bán cổ phần kiếm lời. Theo ông, khái niệm “BOT nước” phù hợp trong bối cảnh hiện nay?

Sắp tới chúng ta ban hành luật liên quan đến BOT, sẽ thiết lập cơ chế pháp lý chặt chẽ để vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, vừa tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng để nâng cao chất lượng dịch vụ. Huy động vốn bằng BOT là chính sách phù hợp cho quá trình phát triển của nước ta hiện nay. Nhưng quan điểm phải rõ ràng, tránh tình trạng như BOT đường bộ, chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ nên mới nảy sinh bất cập.

- Có ý kiến cho rằng, các công ty nước sạch vay vốn ngân hàng đầu tư, được nhà nước, địa phương tạo mọi điều kiện sản xuất kinh doanh, nhưng sau đó bán nước sạch với giá cao, thu lợi hàng nghìn tỷ đồng/năm. Vậy có phải doanh nghiệp lợi dụng ưu đãi và “tay không bắt giặc”?

Muốn đánh giá được vấn đề này phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra… Giá nước sạch được HĐND cấp tỉnh ban hành hàng năm. Còn việc sản xuất, kinh doanh nước sạch hay bất cứ lĩnh vực nào cũng phải đúng quy định pháp luật. Lợi nhuận như vậy là quá cao. Nếu đúng như dư luận phản ánh, thì cần phải thanh tra, làm rõ việc định giá nước, xác định chi phí, và làm rõ xem, liệu có vấn đề lợi ích nhóm trong việc này hay không.

-ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) băn khoăn, “liệu có vấn đề gì đằng sau việc đổ dầu thải vào nguồn nước sạch sông Đà hay không?”. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Hiện Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án này và đương nhiên sẽ phải làm rõ động cơ, mục đích của việc đổ trộm dầu thải vào nguồn nước để sản xuất của Nhà máy nước sạch sông Đà. Liệu có sự cạnh tranh không, có sự phá hoại không, cũng như các vấn đề liên quan chắc chắn sẽ được đặt ra. Tôi cho rằng, những công trình thiết yếu, liên quan đến đời sống dân sinh thì chúng ta phải đặt vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, tránh bị phá hoại. Do vậy, phải điều tra vụ việc này cho rõ và xử lý nghiêm minh.

- Ông nhìn nhận ra sao vừa qua khi ông Nguyễn Văn Tốn (tổng giám đốc Công ty nước sạch sông Đà - PV) bị cách chức, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm sau vụ nước sạch sông Đà bị đổ dầu thải?

Việc ông Nguyễn Văn Tốn bị cách chức là quyết định muộn màng, nhưng có còn hơn không. Đây là cách xử lý cần thiết, không chỉ để “làm êm dư luận” mà quan trọng là cho thấy công ty đã nhận thức rõ, có trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải từ chức là xong. Từ chức rồi nhưng trách nhiệm liên quan thì vẫn phải xem xét, xử lý đúng quy định pháp luật.

Tôi cho rằng, trong vụ việc này, nếu có đầy đủ căn cứ thì phải xem xét xử lý về trách nhiệm hình sự đối với công ty cấp nước sông Đà. Mặt khác, phải bồi thường thiệt hại cho người dân. Còn bồi thường như thế nào, cơ chế nào để khởi kiện công ty ra tòa ra sao thì chúng ta có rất nhiều hiệp hội, trước hết là các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hà Nội cũng phải lên tiếng, giống như vụ Công ty Vedan trước đây.

Nếu chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành phát hiện sớm, chính quyền Hà Nội vào cuộc kịp thời thì không xảy ra như vậy. Để khi người dân phát hiện, báo chí nêu lên thì thành phố mới có phản ứng, cho thấy sự lúng túng trong giải quyết một số sự cố trên địa bàn Hà Nội, từ cháy Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, đến ô nhiễm nguồn nước và một loạt sự việc khác...

“Giá nước sạch được HĐND cấp tỉnh ban hành hàng năm. Nếu đúng như dư luận phản ánh, cần phải thanh tra, làm rõ việc định giá nước, xác định chi phí, và làm rõ xem, liệu có vấn đề lợi ích nhóm trong việc này hay không?”.
 ông Nguyễn Thanh Hồng

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.