Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh Như Ý |
Tại phiên họp Quốc hội sáng 3/6, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Với 11 Chương 64 điều, việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; đồng thời bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế…
Đáng lưu ý về chính sách ưu đãi, ông Diên cho biết, lần này sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt. Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, giữ nguyên các mức ưu đãi theo quy định hiện hành, cụ thể giữ nguyên mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% và thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10%, tỷ lệ thu hồi chi phí là 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật quy định mức ưu đãi thấp hơn để thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí. Cụ thể, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
“Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, để tận thu tài nguyên và đóng góp vào ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định các điều kiện đặc biệt của hợp đồng dầu khí thuộc thẩm quyền của Chính phủ trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí”, ông Diên cho hay.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh Như Ý |
Bổ sung quy định về cơ chế giám sát, kiểm tra
Cho ý kiến về nội dung này, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung thuyết minh cụ thể về mức đóng góp trở lại đối với ngân sách nhà nước và hiệu quả của các mức ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; thời hạn xác định nhà thầu, nhà đầu tư quan tâm, thời hạn thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là điều kiện để áp dụng ưu đãi đặc biệt.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định các điều kiện đặc biệt của hợp đồng dầu khí thuộc thẩm quyền của Chính phủ” chưa rõ nội hàm, chưa bảo đảm thống nhất về thẩm quyền. Bổ sung quy định về ưu đãi có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án; bổ sung quy định về không áp dụng đối với các dự án đã được ký kết hợp đồng, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước thời điểm Luật này có hiệu lực. Tiếp tục nghiên cứu, quy định về các hình thức, cơ chế ưu đãi đầu tư khác ngoài ưu đãi về thuế và mức thu hồi chi phí.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của PVN đối với nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ, bảo đảm minh bạch trong quá trình thực hiện.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục rà soát quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương liên quan đến hợp đồng dầu khí theo hướng phân cấp cho PVN chịu trách nhiệm về nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết hợp đồng dầu khí gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát.
Liên quan đến trách nhiệm của Cơ quan đại diện chủ sở hữu của PVN, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu thiết kế quy định theo hướng Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước là cơ quan giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bổ sung quy định về cơ chế giám sát, kiểm tra của Uỷ ban này đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của PVN, doanh nghiệp 100% vốn của PVN; đồng thời bổ sung quy định về áp dụng Luật Dầu khí, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trong trường hợp này.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về chính sách của nhà nước; nguyên tắc thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; các hành vi bị cấm; chia sẻ, sử dụng các công trình và cơ sở hạ tầng sẵn có…