6 nhóm chính sách đặc thù nổi bật khi sửa đổi Luật Dầu khí

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định điều tra cơ bản việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi, ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô thông qua hợp đồng dầu khí… là những nội dung cơ bản trong 6 nhóm chính sách đưa ra khi xem xét sửa đổi Luật Dầu khí.

Ngày 5/4, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Chủ trì toạ đàm, TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Luật Dầu khí hiện hành được ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và 2008 cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện phát sinh một số vấn đề mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được điều chỉnh bởi Luật Dầu khí. Một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác…

6 nhóm chính sách đặc thù nổi bật khi sửa đổi Luật Dầu khí ảnh 1

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Trong bối cảnh mới đòi hỏi cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để phù hợp, tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.

Đáng lưu ý, các nội dung của dự án Luật tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách: bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; điều tra cơ bản quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; ưu đãi đầu tư dầu khí và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô thông qua hợp đồng dầu khí…

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán Việt Nam, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) là phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về dầu khí, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp.

Đồng tình với quan điểm này, một số ý kiến cũng cho rằng, lĩnh vực này cần được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá sâu sắc, toàn diện quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, đồng thời quán triệt sâu sắc và toàn diện tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm, chủ trương lớn của Đảng về sự phát triển ngành dầu khí.

6 nhóm chính sách đặc thù nổi bật khi sửa đổi Luật Dầu khí ảnh 2

TS.Nghiêm Vũ Khải, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cho rằng, không cần thiết tách ra thành hai khái niệm “điều tra cơ bản về dầu khí” và “hoạt động dầu khí”’ mà nên quy định rõ ràng, mạch lạc chuỗi các hoạt động dầu khí để thuận tiện cho việc quán triệt và thực thi luật.

Đề cập đến hợp đồng dầu khí, Luật sư, TS.Phạm Liêm Chính đề xuất cần nêu rõ khái niệm hợp đồng phân chia sản phẩm. Cùng mối quan tâm, Luật sư, PGS.TS Võ Trí Hảo đặc biệt lưu ý đến các đặc thù khác biệt của hợp đồng dầu khí.

“Hợp đồng trong lĩnh vực dầu khí khác với hợp đồng thương mại thuần túy ở chỗ dầu khí là tài nguyên quốc gia, của cải của dân tộc; dầu khí khai thác trên Biển Đông cho nên liên quan đến Luật quốc tế và tài nguyên môi trường ”, Luật sư, PGS.TS. Võ Trí Hảo nhấn mạnh.

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 Chương, 56 điều, kế thừa các điều khoản cơ bản của của Luật dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các Hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết (đang có hiệu lực).

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022) và trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

MỚI - NÓNG