Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Qúy Vương:

Làm rõ ai giúp Vũ 'nhôm' lấy 31 nhà công sản

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Qúy Vương. Ảnh: LD
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Qúy Vương. Ảnh: LD
TP - Ðề cập vụ Vũ “nhôm”, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Qúy Vương nêu ra nhiều vấn đề đã và đang được làm rõ: Sai phạm của Phan Văn Anh Vũ có liên quan gì đến địa phương không? Ai là người giúp Phan Văn Anh Vũ lấy 31 nhà công sản, rồi hàng chục dự án?

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Ngày 5/9, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, cho ý kiến về Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ, đại biểu Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. “Là người đứng đầu mà quản lý không được, anh phải chịu trách nhiệm, đúng ra phải tự nguyện và từ chức. Tham nhũng tiêu cực xảy ra cũng do người đứng đầu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, chưa nói là đồng phạm”, ông Kim nhìn nhận.

Đề cập trường hợp Vũ “nhôm”, đại biểu Vũ Trọng Kim viện dẫn câu “rung cây dọa khỉ”, nhưng theo ông, ở đây lại là rung cây để tẩu tán tài sản. “Cứ rung bán hết cho người này, bán hết cho người kia, tiền chuyển đi khắp nơi, tiền của tẩu tán hết rồi thì thu cái gì? Biện pháp cấp bách để thu hồi được tài sản tham nhũng như thế nào? Phòng chống tham nhũng không phải bắt người ta bỏ tù mà vấn đề là thu hồi tài sản, mồ hôi nước mắt của nhân dân được bao nhiêu”, ông Kim nêu.

Giải trình về trường hợp Vũ “nhôm”, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Qúy Vương cho biết, đến nay việc khởi tố điều tra được 7 - 8 tháng kể từ khi đưa Phan Văn Anh Vũ từ Singapore về Việt Nam. Với vụ án Vũ “ nhôm” đã khởi tố 4 tội danh, trong đó tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về quản lý đất đai, quản lý công sản. Bên cạnh đó, theo ông Vương, Vũ “nhôm” còn có thể bị xem xét đến yếu tố rửa tiền và trốn đi nước ngoài…

Đặt câu hỏi sai phạm của Phan Văn Anh Vũ có liên quan gì đến địa phương không? Ông Vương khẳng định, có sự vi phạm của chính quyền địa phương và thời gian qua đã khởi tố hai người nguyên là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, rồi nguyên giám đốc, phó giám đốc sở, các công ty… “Ai là người giúp Phan Văn Anh Vũ lấy hơn 31 nhà công sản, rồi hàng chục dự án? Vụ việc giờ đang được làm rõ”, Thứ trưởng Vương nêu, đồng thời khẳng định, việc thu hồi tài sản đang có chiều hướng tốt.

24 trường hợp nộp lại quà tặng

Tại phiên làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, số người đã kê khai tài sản, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%. Trong 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Cùng với đó, cả nước đã có 24 trường hợp nộp lại quà tặng, với tổng giá trị 421 triệu đồng. Trong năm 2018, có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, tỉnh Điện Biên có  5 người, Quảng Trị 4 người; các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đồng Tháp... mỗi tỉnh 2 người; các tỉnh Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Thái Nguyên, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cà Mau mỗi tỉnh 1 người. Cụ thể, 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, ở một số bộ, ngành, địa phương còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN. Chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.

Đáng lưu ý, tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít, chậm trễ.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho biết, năm 2018, số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 44 người trên hơn 1 triệu người đã kê khai, việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm. Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn nhiều trường họp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định nhưng không bị kỷ luật...

 Theo đại diện nhóm nghiên cứu- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, pháp luật hiện hành còn thiếu các biện pháp bảo đảm hiệu quả việc kê khai, nhất là các biện pháp kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nói riêng và của toàn xã hội nói chung; kết quả việc thực hiện thanh toán qua tài khoản, thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế; chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được.

Ðối với vụ Mobifone mua AVG, Thứ trưởng Lê Qúy Vương cũng cho biết, vụ án mới chỉ trong giai đoạn bắt đầu, đã khởi tố điều tra, bắt tạm giam và đang làm rõ nội dung trong đó thế nào, kể cả việc mua bán, trả tiền ra sao… Cũng theo ông Vương, hiện nay đang có 11 vụ việc lớn liên quan đến các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có lĩnh vực than khoáng sản, điện, đạm, xi măng…

“Cứ rung bán hết cho người này, bán hết cho người kia, tiền chuyển đi khắp nơi, của tẩu tán hết rồi thì thu cái gì? Biện pháp cấp bách để thu hồi được tài sản tham nhũng như thế nào? Phòng chống tham nhũng không phải bắt người ta bỏ tù mà vấn đề là thu hồi tài sản, mồ hôi nước mắt của nhân dân được bao nhiêu”. Ông Vũ Trọng Kim

MỚI - NÓNG