40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019)

Làm phim 'Thị xã trong tầm tay', ngày ấy…

Tất Bình (vai Vũ) và nhà báo Tacano (Đặng Nhật Minh đóng)
Tất Bình (vai Vũ) và nhà báo Tacano (Đặng Nhật Minh đóng)
TP - Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tạm chấm dứt, nhưng ngọn lửa của cuộc chiến vẫn ngày đêm âm ỉ cháy trên dọc tuyến biên giới phía Bắc. Và năm đó, 1982, Xưởng phim truyện VN được giao nhiệm vụ làm phim về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Bên điện ảnh tài liệu khi đó đã có những tác phẩm gây xúc động nhân tâm.

 Vậy điện ảnh phim truyện cần phải có những tác phẩm cho xứng tầm cuộc chiến. Và đó là chỉ thị. Đạo diễn Hải Ninh rất kịp thời đưa kịch bản phim “Đất Mẹ” vào sản xuất. Bộ phim được tổ chức quy mô đồ sộ với sự giúp đỡ của các đơn vị quân đội theo sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu. Bộ phim đã rất thành công trong việc miêu tả sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ trong công cuộc giành giật từng tấc đất với địch để bảo vệ Tổ quốc.

Bằng một góc nhìn khác, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã viết kịch bản phim “Thị xã trong tầm tay” và nộp trình sản xuất. Bộ phim không có sự gào thét của bom đạn, không có sự ầm ào của pháo lửa, nhưng không khí toàn bộ bộ phim là sự nghẹt thở, sự mất mát đau đớn. Thông qua ống kính, cũng như mắt nhìn của một nhà báo nước ngoài (nhân vật có thật ngoài đời là phóng viên chiến tranh người Nhật tên là Tacano đã hy sinh tại Đồng Đăng tháng 3/1979). Khi đó, theo những gì tôi được biết ngoài lề, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã phải rất quyết liệt bảo vệ chủ đề của phim trước Cục Điện Ảnh. Và khi kịch bản được thông qua, Đặng Nhật Minh quyết định lên tận Đồng Đăng để quay. Cho tới khi đó, thị xã này vẫn bỏ không, chưa cho phép dân trở lại vì chưa gỡ hết mìn.

Tôi còn nhớ ngay hôm đầu tiên bấm máy, anh sĩ quan dẫn đoàn đi, nói rất to: “Các anh chị chú ý là chúng tôi đi đường nào thì mọi người đi đúng theo đường ấy. Tuyệt đối không được đi lung tung kẻo vướng mìn địch cài lại nhiều lắm đấy!” Một cậu ở tổ dựng cảnh đùa: “Thế đi tiểu thì chắc được”. Anh sĩ quan mặt lạnh tanh: “Việc đó cũng phải có chỗ. Đây không có chỗ cho anh đùa”. Cả đoàn im thin thít đi theo anh sĩ quan tới bối cảnh đã chọn. Có lẽ sự quyết tâm (của đạo diễn và quay phim) là phải chọn đúng bối cảnh còn nguyên dấu ấn của cuộc chiến tranh để thực hiện những cảnh quay, đã tác động rất lớn tới những cảm xúc diễn xuất của anh em diễn viên chúng tôi trong mỗi cảnh quay. Và hơn nữa, với những góc máy mang theo cả nước mắt khóc những người lính đã hy sinh khiến cho những khuôn hình của nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn dường như vẫn đang toả ra hơi nóng của cuộc chiến.

Khi đó tôi vào vai một chiến sĩ trẻ, đi bảo vệ cho nhà báo người Nhật. Tuy là vai phụ nhưng xuất hiện khá nhiều. Sau khi nhà báo Nhật hy sinh, nhân vật của tôi cũng chiến đấu anh dũng và hy sinh… Tại liên hoan phim năm đó. Phim “Thị xã trong tầm tay” đoạt giải Bông Sen Vàng.

Làm phim 'Thị xã trong tầm tay', ngày ấy… ảnh 1 Sau khi nhà báo Nhật hy sinh, anh lính trẻ (Quốc Trọng đóng) chiến đấu với thám báo địch và hy sinh trong tay đồng đội

Cả một thị xã vắng ngắt, chỉ có đoàn phim và những người lính vẫn đang trực chiến. Sang qua phía nam cầu Kỳ Lừa mới bắt đầu thấy những người dân thưa thớt dần kéo nhau quay về. Thật lạ. Cả anh em đoàn phim lẫn những người dân không hề có một chút cảm giác sợ mà chỉ cảm thấy uất hận.

Tôi còn nhớ câu chuyện với một trung uý ở Tỉnh đội. Anh rất buồn khi kể về cuộc chiến còn nóng hổi những mất mát: “Đau không khóc nổi”. Tôi không thể quên đôi mắt ầng ậng nước của anh khi kể chuyện. Đau thắt lòng.

Gần 2 tháng trời lăn lộn với những cảnh quay... Có quá nhiều cảm xúc và những dấu ấn còn lưu trong tôi. Những ký ức về cuộc chiến, ký ức về nghề nghiệp phim ảnh chắc sẽ còn khiến tôi phải nợ nó nhiều. Cuộc chiến tàn khốc đã lùi xa 40 năm, và tôi vẫn chỉ có một mong ước giản dị: “Hãy Cho Tôi Một Lần Nói Hết. Nói Thật Đi. Cho Lòng Thanh Thản!”.

Hà Nội 17/2/2019

MỚI - NÓNG