Làm Napoleon bên kia thế giới

Làm Napoleon bên kia thế giới
TP - Người nghèo thường nói câu cửa miệng: "Chỉ mong lúc chết có cái hòm mà chôn". Thời kinh tế thị trường khoảng cách giàu nghèo gia tăng, nên có người làm đám tang tiền tỷ trong khi không ít kẻ phải chạy xin một cái hòm (quan tài) cho người nằm xuống.

"Người nghèo còn nhiều"

Một con số thống kê cho thấy Sài Gòn hiện có khoảng 300 trại hòm. Theo điều tra dân số năm 2009, tổng số dân của Thành phố Hồ Chí Minh là 7.123.340 người. Với tỷ lệ tử 0,4%, mỗi năm thành phố cần ít nhất 28.500 cái quan tài. Đấy là chưa kể những kẻ tha phương cầu thực, tạm trú, đi ngang qua, lên thành phố chữa bệnh... rồi nằm xuống trên đất này.

Chị Sương, chủ một trại hòm (cơ sở mai táng) gần Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ nói: "Theo quan sát của chúng tôi qua các đám tang thì người nghèo vẫn còn nhiều lắm".

Chúng tôi tới nơi, chị Sương còn loay hoay tìm hòm làm từ thiện. Chị bảo: "Cha trong nhà thờ vừa gọi, báo tin bên bệnh viện có người chết mà không ai thân thích. Chúng tôi qua lãnh đi thiêu". Quan tài dành cho người vô thừa nhận được gọi là "quan tài quốc doanh", làm bằng gỗ tạp, ván mỏng lét, không sơn mài không trang trí gì cả. Chị Sương bảo: "Quan tài bình thường phí hỏa táng 3 triệu, quan tài quốc doanh chỉ tốn 1,8 triệu thôi".

Anh Phe, chủ trại ở quận Gò Vấp nói: "Người nghèo qua xin hòm nhiều". Anh bảo giờ ngành này cạnh tranh quyết liệt, làm ăn khó khăn. Một nhà máy của Đài Loan đặt tại Việt Nam để sản xuất quan tài. Hòm nhập từ nước ngoài về cũng có. "Hòm từ thiện thường đơn sơ lắm. Nhiều trại hòm chúng tôi cũng rất nghèo - anh Phe bảo - Gia đình không cam lòng với người thân, xin được hòm từ thiện rồi, chở đến đây đổi, xin phụ tiền để lấy hòm tốt hơn".

Chị Bông chủ một trại hòm tại quận Gò Vấp nói: "Chúng tôi chỉ cấp hòm thông qua các hội từ thiện, qua nhà thờ, nhà chùa. Cá nhân tới thì không đủ cơ sở để cấp". Đề phòng vậy bởi đã từng có kẻ mạo danh đi xin quan tài từ thiện rồi đem bán.

Chị Bông bảo chị thường cấp quan tài từ thiện cho người già neo đơn ở các trại nuôi dưỡng, người lang thang vô thừa nhận. Nhiều khi lo luôn việc mai táng cho họ nữa, vì "Họ nhận hòm rồi, chẳng biết phải làm gì nữa. Hết tiền mà giờ ? đụng đến gì cũng cần tiền"- lời chị Bông.

Chị Sương bảo: "Người đời nghèo khó mà khi nằm xuống, tang ma bối rối, nhiều kẻ động lòng tham, không buông tha. Một người chết trong bệnh viện có năm bảy đứa ép mua hòm, dọa nếu không mua sẽ khó lấy xác ra".

Anh Chiêu chủ một trang web đưa nhiều thông tin về văn hóa tang ma cũng nói: "Bọn cò gây không ít khó khăn cho gia chủ. Người gây ra tai nạn giao thông, muốn đỡ phiền phức mong đưa nạn nhân đi chôn càng nhanh càng tốt, phải chi tiền quan tài cho cò hòm gấp 4 lần bình thường".

"Nếu không trích phần trăm tốt, các loại cò sẽ bỏ mình mà gọi trại khác". Các chủ trại đều ngao ngán. Giá quan tài dăm triệu, chục triệu, vài chục triệu cứ thế tăng.

Muốn làm Napoléon không?

Trong khi không ít người toát mồ hôi để lo cho người quá cố được một cái hòm thì không hiếm kẻ lại nhân cái chết của người thân để phô trương tiền bạc địa vị của mình.

Anh Chiêu mở trang web về văn hóa tang lễ có nhiều người truy cập tìm đọc. Ảnh: T.N.A
Anh Chiêu mở trang web về văn hóa tang lễ có nhiều người truy cập tìm đọc. Ảnh: T.N.A .

Trại anh Chiêu liên kết với trại ở Mỹ, Úc. Cuối tuần các trại Mỹ quàn xong, chuyển lên máy bay. Trại trong nước làm thủ tục tiếp nhận và đón tại sân bay Tân Sơn Nhất rồi đưa đi. Tổng chi phí cho dịch vụ an táng trọn gói từ Mỹ về Việt Nam khoảng 8.000-10.000 USD.

Anh Chiêu từng tham dự một kịch bản tang lễ tiền tỷ, kể: "Người đã khuất được thiêu từ bên Mỹ, thế mà tổ chức đón rước tại sân bay, xe du lịch đếm không xuể. Về nhà, làm lễ nhập liệm...?một hũ tro". Anh Chiêu nói: "Có đám tang mà chỉ riêng tiền hoa trang trí đã hơn 300 triệu đồng".

Anh Chiêu than thở: "Để phô trương, người ta bỏ ra 200 triệu đồng để đặt quan tài giáng hương nguyên cây. Rồi ? đem đi thiêu".

Quan tài là mặt hàng đặc biệt: "Người mua không dùng, người dùng không mua". Phô trương đám tang, phần nhiều do ý của người sống chứ không phải người đã khuất.

Vào cái thời mà cái danh cái lợi gắn với nhau, đám tang những người giàu đã không còn trong tay các trại hòm mà chuyển sang các công ty sự kiện. Anh Chiêu nói: "Công ty tổ chức sự kiện không có trại, nhưng họ thừa mối quan hệ, thừa kịch bản, đạo diễn, diễn viên. Đám tang lớn bây giờ họ lấy hợp đồng hết cả, rồi liên kết với chúng tôi để triển khai thực hiện".

Tôi tìm gặp một người làm cho công ty sự kiện thường tổ chức các đám tang tiền tỷ. Người này hỏi: "Đám tang nhà đại gia hả? muốn làm kiểu Hoàng đế Pháp thế kỷ 16 không?".

Rồi vị này giải thích: "Làm vua Pháp thế kỷ 16, người mất sẽ mặc trang phục hoàng đế châu Âu, thậm chí như Napoléon. Được 100 người phục vụ bên quan tài, ăn mặc kiểu Pháp, cõng súng, đeo gù". Theo kịch bản, đám rước sẽ có chục xe Mercedes màu trắng. Nhân viên này dặn: "Chỉ một điều lưu ý là đừng ai thắp hương nhé. Người châu Âu không dùng hương".

Tôi bảo với vị này rằng văn hóa của xứ ta có nét đề cao người chết hơn người sống chăng (?).

Vị tiếp thị liền khẳng định: "Năm ngoái chúng tôi thực hiện 3 đám tang ông hoàng bà chúa rồi, các vị cứ yên tâm. Kinh nghiệm chúng tôi không thiếu. Vấn đề là các anh đã có...?hàng sẵn chưa".

Chúng tôi nói "có hàng rồi, đang hấp hối đây". Người này bèn lên kịch bản:
Sẽ có 50 cung nữ. Lính các loại 40-50 người nữa, vác kiếm, đeo súng hỏa mai, đội nón. Văn võ bá quan thêm mấy chục người, mặc triều phục. Đội nhã nhạc trình tấu đúng theo sử sách. Đội khiêng bốn chục công nhân nhưng ăn mặc kiểu xưa. 30 - 40 chức sắc đi tụng... Cuối cùng, vị này nói: "Quan tài nhà vua, đặt riêng, trang trí rồng bay phượng múa. Cụ thì được liệm bằng long bào thời Nguyễn".

Hỏi chi phí hết bao nhiêu, vị nhân viên này tính toán rồi nói: "Chi phí 800 triệu đến 1 tỷ đồng thôi. Lưu ý kinh phí chưa bao gồm tiền huyệt mộ và tiền xây lăng. Chỉ là chi phí tổ chức lễ tang thôi đấy".

Bình đẳng cho cõi âm

Anh Chiêu cứ băn khoăn: "Bao giờ người ta mới tiến đến sự bình đẳng được khi đến cả tang lễ cũng còn phân biệt đẳng cấp, đề cao quyền lực ông hoàng, bà chúa!".

Anh Chiêu nói rằng: "Đám tang ý nghĩa ở chỗ nó phải trang nghiêm và điều quan trọng là nhằm để giáo dục, khuyên răn người đang sống nhớ đến tổ tiên". Theo người trại hòm đọc nhiều sách này thì không ít người quá quan tâm đến những hình thức mà quên đi những nét văn hóa truyền thống. "Dàn kèn đồng chẳng hạn, nó chỉ xuất hiện ở miền Nam những năm 1970, dành cho các đám tang nhà binh thôi".

Anh Phe thì buồn bã than: "Nhạc hiếu trước kia trang nghiêm, đàn những bài ca ngợi công ơn của cha mẹ. Nghe nhạc bát âm người ta phải thấy buồn xao xác. Giờ thì mời cả nhạc nhảy, diễn xiếc trước linh cữu cả đêm để thu hút người tới xem đám".

Thầy Phước Thông tu trong chùa Vĩnh Kim trên Gò Vấp nói: "Tôn giáo luôn dạy người ta tính tiết kiệm và đề cao trách nhiệm với đời". Trại hòm của hội từ thiện đặt trong khuôn viên chùa Vĩnh Kim. Người nghèo, nhiễm HIV qua đời thường được chùa cấp quan tài. Chùa cũng làm phòng tang giúp đệ tử và người nghèo đến hành lễ đỡ tốn kém.

Thầy Phước Thông nói: "Tắt thở, thân trả về đất, nước, gió, lửa. Nếu có kiếp khác, muốn được tốt hơn, kiếp này phải làm gì giúp ích cho bản thân mình và cho người xung quanh. Đâu phải bỏ tiền làm đám ma to sẽ đánh đổi được tất cả!".

11-2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG