Sau vụ thổi giá kit test, người dân cả nước lại sốc với kiểu “làm luật” trắng trợn ở cửa khẩu Lạng Sơn. Bất chấp tình cảnh điêu đứng của nông dân, thương lái, bất chấp cảnh ăn gió nằm sương cả tháng trời của cánh tài xế vì hàng nông sản bị ùn ứ ở cửa khẩu, những kẻ cơ hội vẫn thản nhiên bán “lốt” để kiếm tiền.
Trong khi đó, “thủ phủ thanh long” ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, buồn thiu trong những ngày cận tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Không như mọi năm, giờ này, nhà nhà ở đây đã chuẩn bị cúng tất niên tươm tất cho một năm mưa thuận gió hòa, cho thanh long được mùa, được giá. Tháng Chạp năm nay, giá thanh long xuống tận đáy - 1.000 đồng/kg khiến người nông dân chỉ biết ôm đầu, ngửa mặt kêu trời.
Các bị can trong vụ "làm luật" xe hàng chờ xuất sang Trung Quốc. Ảnh CACC |
Cả một mùa bán mặt cho đất, bán lưng cho trời rồi đầu tư phân bón, tiền điện thắp sáng cho ra quả trái vụ nếu bán được 12.000 đồng/kg mới gỡ vốn, giờ coi như mất trắng, ai cũng méo mặt.
Được mùa nhưng mất giá cũng coi như bộ quần áo mới cho con, bánh mứt, hoa quả, thịt thà ngày tết phải dè sẻn, bớt lại.
Cánh tài xế chạy xe đầu kéo container vận chuyển thanh long ra biên giới phía Bắc xuất qua Trung Quốc cũng không hơn gì. Đóng biên, ăn chực nằm chờ cả tháng trời chưa được thông quan, quay đầu trở về bán thanh long cho chủ hàng theo kiểu “bán cà rem” dọc đường rồi ăn bờ ngủ bụi. “Về được tới nhà là mừng lắm rồi mà giờ có ai gọi chở thanh long ra phía Bắc trả thù lao gấp đôi tôi cũng không dám, vì sợ cảnh kẹt xe nằm chờ lắm rồi” - Tuấn “râu”, tài xế xe container ở Bình Thuận có hàng chục năm kinh nghiệm vận chuyển thanh long, xua tay tâm sự.
Chủ vựa thanh long cũng không khá hơn, mùa thanh long vừa qua đóng container nhiều lỗ nhiều, đóng ít lỗ ít. Bình quân mỗi container hơn 20 tấn thanh long khi quay đầu lỗ khoảng 500 triệu đồng và ở đây đã có hàng ngàn container đầy mồ hôi và nước mắt như thế đã quay đầu…
Thế nhưng lợi dụng tình hình xe cắn đuôi nhau xếp hàng, ách tắc hàng ngàn container ở các cửa khẩu Lạng Sơn, để sớm được xếp chỗ thông quan, mỗi xe chở hoa quả phải cắn răng chi hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Những cán bộ ở Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc, Lạng Sơn đã móc nối với những cò mồi mà cánh tài xế, chủ xe container khi gặp mặt đều giật mình sợ hãi. Để có được một thùng thanh long là bao nhiêu nước mắt, mồ hôi của từ người nông dân, công nhân đóng gói, bốc xếp, lái phụ xe vượt qua đoạn đường hàng ngàn cây số nhưng chỉ bằng một động tác “dàn xếp”, những cán bộ có trách nhiệm lại ôm trọn trên nỗi đau của đồng bào mình.
Tài xế Nguyễn Văn Tường, người kẹt tại bãi xe chờ thông quan ở Lạng Sơn lên tới một tháng năm ngày vừa quay đầu xe về Bình Thuận chua chát cho biết đó là một tháng năm ngày khổ cực nhất trong cuộc đời tài xế của anh. Ngủ vạ vật dưới gầm xe, ăn uống tiết kiệm, kham khổ thậm chí tắm, giặt cũng phải hạn chế.
“Cò mồi “làm luật” ở các bãi Bảo Nguyên, Cao Lộc, Hữu Nghị, Lạng Sơn nhiều lắm. Thông quan khó chừng nào là cò mồi hoạt động mạnh chừng đó, ra giá là dứt khoát không bớt một xu, mỗi lượt cò mồi bằng anh em chúng tôi gò lưng ôm vô lăng cả năm” - anh Tường cho biết.
Theo anh Tường, trên đường cho xe container thanh long quay đầu, anh vô cùng cảm động với nghĩa đồng bào của biết bao người dân dọc đường khi mọi người hô hào cùng nhau mua thanh long để giải cứu.
“Vậy mà những cán bộ có trách nhiệm, thừa hiểu nỗi khổ của người nông dân; thừa hiểu những khó khăn của anh em lái phụ xe bởi giáp mặt hằng ngày lại đi bắt chẹt, làm tiền trên chén cơm, manh áo của những đứa trẻ ở nhà, trên mồ hôi mặn chát của người nông dân” - anh Tường tâm sự rồi nói như đinh đóng cột: “Họ không xứng đáng được gọi hai chữ đồng bào; họ không xứng đáng hưởng những tình tiết giảm nhẹ. Một bản án thật nghiêm khắc cần phải dành cho họ để làm răn cho những kẻ rắp tâm làm tiền trên nỗi khổ của đồng bào!”.
Không chỉ tài xế, thương lái và nông dân trồng thanh long đều mong muốn các cán bộ biến chất phải lãnh án nặng. Những ngày qua, dư luận và công luận đã bày tỏ sự phẫn nộ khôn cùng trước kiểu “làm tiền” bất chấp đạo đức, pháp luật này.
Vụ việc vẫn đang được Công an tỉnh Lạng Sơn điều tra, làm rõ, trong đó không loại trừ có thêm nhiều “cò bán lốt” cùng nhiều cán bộ khác sắp tới phải tra tay vào còng. Và nếu cơ quan tố tụng chứng minh được số tiền nhận hối lộ của mỗi cán bộ này từ 1 tỉ đồng trở lên, họ sẽ phải đối diện với khung hình phạt cao nhất của tội danh này - từ 20 năm đến tù chung thân hoặc tử hình.
Link gốc: https://plo.vn/phap-luat/phai-tri-that-nang-nhung-ke-lam-luat-o-cua-khau-lang-son-1039410.html