Đàn ông là người uống chóe rượu cúng cầu mưa đầu tiên
Ngày 12/5, người dân buôn Ayun (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tổ chức lễ cầu mưa theo nghi thức truyền thống Êđê. Già làng Y Djăk Ayun cho biết: “Trước tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài cây trồng khô héo, người dân thiếu nước sinh hoạt, chúng tôi tiến hành họp buôn quyết định làm lễ cầu mưa. Nghi lễ này không tổ chức thường niên, chỉ khi nào trời quá khắc nghiệt, cần dâng lễ vật lên Yàng (thần linh) cầu ban mưa”.
Thầy cúng cùng người dân trong buôn mang lễ vật ra cúng bến nước
Trước ngày tổ chức lễ, đàn ông lo chặt tre dựng chòi, dọn sạch bến nước, chuẩn bị chóe rượu cần...; phụ nữ bàn nhau tìm nguyên liệu nấu các món ăn truyền thống.
Đại diện thần nước làm phép tại bến nước buôn Ayun
Ngày diễn ra lễ, đông đảo người dân có mặt từ rất sáng sớm. Nghi thức đầu tiên, thầy cúng làm lễ cúng thần đất vào buổi sáng tại nhà thần đất Ama Hoan, với ý nghĩa mong thần bỏ qua những lỗi lầm của người dân trong quá trình sinh sống; Khoảng 1 giờ chiều, diễn ra lễ cúng bến nướcm mong Yàng ban nước chảy quanh năm. Tầm 4 giờ chiều, thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu mưa tại nhà thần nước Ama Clum trong buôn.
Phụ nữ lấy nước từ bến nước về đổ vào các chóe rượu cúng
Lễ vật cúng Yàng gồm 8 chóe rượu, 1 con heo, 1 con gà trắng, tiết, nội tạng của con heo. Các nghi lễ cúng đều mở đầu bằng một bài chiêng mời gọi thần linh về dự, sau đó thầy cúng đọc lời khấn bằng tiếng Êđê xin Yàng ban điều tốt lành, mưa thuận gió hòa...
Những thành viên tham gia lễ cúng phải mang trang phục truyền thống, đi chân trần
Điều kỳ lạ, sau khi cúng thần đất xong, bầu trời xuất hiện sấm chớp, mây đen quần tụ, mưa bắt đầu rơi. Người dân buôn Ayun tin đây là tin vui, báo hiệu điều may mắn cho buôn làng.
Mây đen kéo đến khi chuẩn bị làm lễ cầu mưa
Người dân vui mừng khi mưa xuất hiện
Ông Y Mang phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar tham gia lễ cầu mưa cùng người dân buôn Ayun chia sẻ, đây là phong tục gắn liền với lễ nghi nông nghiệp lâu đời của đồng bào Êđê. Mỗi vùng có hình thức cúng khác nhau nhưng đều chung một ý nghĩa cầu một mùa rẫy mới mưa thuận gió hòa, mọi nhà no đủ. Lễ cúng này rất thiêng liêng, bản thân ông đã từng nhiều lần tham gia vào lễ cầu mưa của người dân buôn Ayun. Kỳ lạ thay, lần nào lễ cúng diễn ra cũng có mưa, năm 2018, dân đang cúng thì mưa trút xuống, năm nay cũng vậy, vừa cúng thần đất xong trời đã chuyển mưa.