Làm láo, báo cáo hay

Làm láo, báo cáo hay
TP - Không có nơi nào như ở ta, cứ nghe tới báo cáo thì ai cũng lắc đầu, bởi nó không phải là thực tế, không trung thực. Nó là một cái bệnh, lây lan nhanh và “hình như” không kiểm soát nổi.

Từ thấp chí cao, từ ban ngành này đến ban ngành nọ, nhìn vào báo cáo của họ ai cũng thấy rõ sự gian dối nhưng biết làm sao? Cách khắc phục và loại bỏ nó ra khỏi đời sống, lối tư duy vẫn là điều nan giải.

Nếu cứ dựa vào những bản báo cáo để xét thì đất nước ta đã không còn đói nghèo, không còn mù chữ, không còn hiện tượng ngồi nhầm lớp… hàng chục năm về trước chứ không phải bây giờ vẫn còn cứ xóa, cứ giảm…

Các quan nhà ta, cứ nói đến chuyện thành tích thì hớn hở, kể hết thành tích này đến thành tích khác. Hỏi đến những yếu kém thì ai cũng đổ lỗi cho khách quan, đổ lỗi cho cơ chế…

Đó là sự dối trá, trơ trẽn và dần thành một hệ thống. Đến hẹn lại lên, cuối năm đến sẽ làm báo cáo và tất nhiên các cấp trên sẽ được thấy những con số đẹp, chỉ tiêu đẹp… nằm trong bản báo cáo đẹp. Những con số làm vừa lòng cấp trên, làm đẹp thêm những trụ sở, cơ quan… bằng những tấm bằng khen của các cấp nhưng lại làm mờ dần đi tính trung thực, đưa lối suy nghĩ, việc làm dối trá lên hàng đầu mà quên đi cái hiện thực không mấy tốt đẹp bên ngoài bản báo cáo.

Đọc bản báo cáo nhưng phải trừ hao, trừ bì. Người ta cho rằng đó là điều hiển nhiên, vì ngay cả con heo, con gà trước khi đem bán người ta còn phải cho nó ăn thật no để được béo tốt kia mà!

Tỉnh ra chỉ tiêu cho huyện, huyện giao chỉ tiêu cho xã, nên khi xã không thể thực hiện được phải báo cáo láo với huyện, huyện chẳng cần xem xét cứ lấy số liệu báo cáo của xã rồi tiếp tục báo cáo lên tỉnh, tỉnh lại báo cáo lên trung ương.

Không phải là không ai biết, nhưng thay vì lên án và tiêu diệt nó thì con người lại chọn giải pháp khác, chẳng mất lòng ai: “Thích nghi và chấp nhận!”.Lối suy nghĩ và hành động ấy không những làm xã hội đi xuống mà còn làm suy đồi đạo đức trong mỗi con người.

Cấn Thị Phương
Nha Trang, Khánh Hòa

MỚI - NÓNG