Thân thiện môi trường
Phương pháp sản xuất giấy từ phân bò, phân voi đã có tại một số nước Sri Lanka, Malaysia, Myanmar… Các sản phẩm giấy này được sử dụng để làm các loại đồ lưu niệm bán cho khách du lịch. Tuy nhiên, theo Quỳnh Như, tại Việt Nam, vẫn chưa có bất kỳ sản phẩm giấy nào được sản xuất từ phân gia súc hay nguyên liệu sinh học, mặc dù giấy tái chế đã được làm khá nhiều. Đây cũng chính là lý do để cả nhóm 5 sinh viên hình thành ý tưởng sản xuất giấy từ phân bò.
Quỳnh Như cho biết: “Dự án này có thuận lợi là ở Việt Nam nghề chăn nuôi rất phát triển. Nguồn nguyên liệu sẵn có để tận dụng đưa vào sản xuất, đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường”.
Với sự tư vấn từ thầy Phạm Nguyễn Duy Bình, giảng viên khoa Công nghệ sinh học, trường ĐH KHTN, nhóm bắt tay vào thực hiện dự án. Thành phần chính để chế tạo giấy là chất cellulose. Khi phân tích, trong phân bò nguồn chất này chiếm đến 30 – 40% thành phần do vẫn còn sót lại sau khi tiêu hóa. Cellulose thu được sau quá trình lọc bỏ phối hợp với một số hợp chất khác sẽ tạo thành giấy.
Bắt tay vào thực tế, nhóm không tránh khỏi những khó khăn: Phải đảm bảo được chất lượng thực tiễn giống với chất lượng phòng thí nghiệm, quản lý được chuỗi sản xuất… Khi đã có được những mẫu giấy đầu tiên, cả nhóm thử nghiệm làm một mô hình ngôi trường bằng giấy để thử độ kết dính. Thí nghiệm thất bại vì giấy không dính. Cả nhóm đã bỏ thời gian làm việc tiếp để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia trong ngành sản xuất giấy, sản phẩm của nhóm đã thành công, mang tên Poopy paper.
Thay đổi thói quen
Thanh Hoàng cho biết: “Ngoài nghiên cứu phương pháp sản xuất, qua sản phẩm, tụi mình còn đặt mục tiêu là tạo được một xu hướng tiêu dùng mới đối với hàng hóa tái chế, không chỉ riêng trong ngành giấy”. Trong suốt giai đoạn thử nghiệm sản xuất, nhóm dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu hơn về nhu cầu của thị trường đối với dòng sản phẩm tái chế cũng như khảo sát thêm yếu tố tâm lý người tiêu dùng đối với dòng hàng này.
Ở Việt Nam, người tiêu dùng còn khá dè dặt, ít hào hứng đón nhận những sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm tái chế vì lo ngại về tính an toàn, chất lượng và giá thành của sản phẩm. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm sinh học tái chế đều phải trải qua một quy trình kiểm tra nghiêm ngặt trước khi được đưa ra thị trường.
Thêm vào đó, việc “sinh sau đẻ muộn” cũng đem đến lợi thế an toàn đối với sản phẩm khi áp dụng công nghệ sản xuất tương đương. Cả nhóm sinh viên khẳng định, những khó khăn về thị trường không làm các bạn nản chí. Các bạn sẽ quyết tâm cải thiện và đưa vào sản xuất, quản lý quy trình và tìm đầu ra, đưa sản phẩm nghiên cứu đến tay người tiêu dùng.
Tại cuộc thi ươm mầm ý tưởng sáng tạo, tìm ra các giải pháp về kinh tế, môi trường MasterMind 2013 do trường ĐH Quốc tế tổ chức, sáng tạo sản xuất giấy từ phân bò Poopy paper của nhóm 5 bạn sinh viên đã được trao giải Nhất.
Sản phẩm của nhóm được ban giám khảo đánh giá cao nhờ tính khả thi trong khi vốn đầu vào thấp, lại có ý nghĩa xã hội và môi trường. Khi sản phẩm này được đón nhận và ứng dụng rộng rãi trên thị trường sẽ góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt. Chưa dừng lại ở đó, nhóm còn dự định sẽ đem ý tưởng này dự thi thêm một số cuộc thi khác để hoàn thiện sản phẩm, trước khi đưa vào sản xuất chính thức.