Tìm cách cứu vớt bản thân
Sau khi biết kết quả trượt đại học thì làm gì? Gần như những chia sẻ đều thống nhất một ý kiến khá ngược đời: Buồn tiếp đi, buồn cho đã vào!
Thay vì khuyên các thí sinh “bình tĩnh”, “nén bi thương”, “cố gắng”... thì những người từng vượt ải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho nỗi buồn một cơ hội. Trần Nguyễn Hương (du học sinh khoa Tâm lý – ĐH Lyon II) giải thích: “Việc buồn cho đã là một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để chấm dứt tâm trạng ủ ê và không sa vào các trạng thái tâm lý tiêu cực hơn. Điều này đã được khoa học chứng minh. Khi cảm xúc buồn đủ, nó sẽ chấm dứt. Khi bị dồn nén, che giấu, kiểm soát, nó sẽ bung ra và có khả năng là một... vụ nổ. Trượt đại học là một thất bại, hơn nữa là thất bại đầu đời, người ta có quyền buồn!”.
Khi buồn đủ rồi, bạn có thể tận dụng khoảng thời gian này để làm những gì mình thích. Đi chơi, học nhạc, đọc truyện tranh, tiểu thuyết cho đã, làm tình nguyện viên, theo đuổi một dự án cá nhân, viết một cuốn sách, học một ngôn ngữ mới v.v... đều là những cách hiệu quả để cứu vớt bản thân, các “cựu trượt đại học” hiến kế.
Trong cộng đồng phượt thủ, Ngô Trần Hải An (sinh năm 1981) rất nổi tiếng với nickname Quỷ Cốc Tử. Người ta biết anh là trưởng nhóm du lịch bụi 3backpackers với mấy trăm thành viên, họ cũng biết Quỷ Cốc Tử đã có gần 20 năm kinh nghiệm phượt xe máy, từng “ba cùng” với người Thái ở Nậm Củm, người Mông ở Mèo Vạc, người Lô Lô ở Lũng Cú, người Hồi giáo ở Dubai, người Do Thái ở Israel, Palestine..., là người Việt Nam đầu tiên được Tổng cục du lịch Thái Lan mời tổ chức chương trình riêng để khám phá Thái Lan... Nhưng ít người tường tận, Hải An từng là thí sinh trượt đại học.
Người đàn ông đã dày dạn gió sương chia sẻ: “Đó là cú sốc rất lớn, khó đối diện với bạn bè và nói chung cũng nhiều mặc cảm”. Để chữa thương, 18 tuổi Hải An quyết định rời thị trấn nghèo B’Lao (Bảo Lộc, Lâm Đồng) đến nhà chú ở Nha Trang và đi lang thang khắp nơi. Suốt hai tháng sau đó, anh tìm hiểu cuộc sống của người dân ở làng chài, đi câu mực với ngư dân và phụ chú bán phở gà. Chính chuyến đi này đã giúp anh tìm lại cân bằng và nhen lên tình yêu với những cung đường.
Năm sau Hải An đỗ Đại học Khoa Công nghệ thông tin và bắt đầu tìm cách đi khắp nơi với kinh phí “ngày càng rẻ” vì ngày càng biết cách tiết kiệm. Mặc dù gia đình không ủng hộ, bố mẹ cho rằng con trai “dở hơi, không tập trung lo làm ăn mà cứ lang thang nơi rừng rú” nhưng kiên trì làm việc mà mình thích là một nguyên tắc Hải An được rèn luyện qua những chuyến đi.
“Nhiều người cứ nghĩ du lịch là đi chơi, nhưng thực ra giá trị thu về chính là những trải nghiệm, sự trưởng thành và các mối quan hệ. Nó là trường học, những con người gặp trên đường đều dạy mình nhiều thứ và bản thân sau đó cũng được mở mang”, Hải An cho biết.
Đi tiếp hay là rẽ?
Sau khi vượt qua cú sốc tâm lý, rất nhiều thí sinh sẽ hoang mang với câu hỏi: đi tiếp hay là rẽ, rẽ trái hay rẽ phải?
“Nhiều người trước đó khá mù mờ về khả năng cũng như mong muốn của bản thân. Họ đăng ký trường này, trường kia vì bố mẹ muốn thế, vì nghề đó có vẻ hot... hơn là vì họ muốn thế. Thì đây là khoảng thời gian để nhìn lại cho rõ. Người phương Tây có khái niệm Gap Year (năm nghỉ ngơi). Học sinh ở đây sau khi tốt nghiệp phổ thông thường dành một hoặc một vài năm để trải nghiệm cuộc sống bên ngoài sách vở, để tìm hiểu đâu mới là đam mê thực sự, là ngành nghề phù hợp với mình. Sau đó họ mới chọn trường Đại học”. Trần Trọng Khôi, du học sinh từng trượt đại học, sau hai năm ôn thi được học bổng Charlotte Elizabeth Procter của Viện ĐH Princeton (Mỹ) chia sẻ.
Trong cộng đồng khởi nghiệp, Trần Thanh Phúc (sinh năm 1992, cựu sinh viên trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Hà Nội) là một trong số ví dụ của việc “rẽ thành công”.
Phúc kể, thời học phổ thông anh là học sinh cá biệt, học hành bết bát, ngoại trừ Thể dục, tất cả các môn học khác đều dưới 6 phẩy. Có năm, Phúc chỉ đạt học sinh kém vì điểm học kỳ môn Văn dưới 5, cộng thêm các lỗi: đốt pháo, đánh nhau, ngủ gật trong lớp, trốn học… nên bị liệt vào danh sách đen của trường. Tất nhiên, với kết quả học tập như vậy, Phúc trượt đại học, cho đến nay vẫn nhớ tổng số điểm ba môn thi là 7.
Ngẫm lại những việc mà mình thành thạo, Phúc chỉ nghĩ đến game. Tiếp xúc máy tính và chơi game từ 6 tuổi nên anh biết khá nhiều về công nghệ. Thế là quyết định xin vào học ngành thiết kế website của trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Hà Nội. Không ngờ “học vì thích” nên thành thích học tập của Phúc tốt ngoài mong đợi. Ngay từ kỳ 2 của năm học đầu tiên, “học sinh trượt đại học” đã được chọn làm trợ giảng cho các thầy cô.
Ra trường, Phúc xin làm nhân viên kinh doanh tại một công ty sự kiện để lấy kinh nghiệm. Nửa năm sau, anh xin sang làm việc trong lĩnh vực quảng cáo.
Cuối năm 2017, Phúc mở công ty sự kiện đầu tiên và tổ chức một show ca nhạc điện tử lớn nhất Bắc Giang với sự tham gia của hơn 3.000 người. Công ty quảng cáo phát triển rất nhanh, hiện nay, Phúc là một triệu phú trẻ với doanh thu 7,2 tỷ đồng/năm.
Những cuộc thi là việc cả đời
“Thi đại học chỉ là cuộc thi đầu tiên trong đời. Sau này nghĩ lại, thực ra trượt cũng không phải là chuyện gì ghê gớm. Bởi vì còn hàng trăm cuộc thi khác ở phía sau. Ngay từ khi chạy roda đã ngã thì chẳng phải là vớ vẩn quá à?” comment của Phương Keith (ĐH Lille III, Pháp) đã nhận được gần 3.000 like kèm theo hàng ngàn cảm thán: “lúc ấy sao lại suy sụp đến thế được nhỉ?”.
Mới đây, trong buổi họp fan ở Hà Nội, diễn viên Quốc Trường (đang rất hot với vai Vũ trong bộ phim “Về nhà đi con”) tiết lộ anh cũng từng trượt đại học vì nghiện chơi điện tử.
“Tôi bắt đầu từ con số 0. Học hết cấp ba, trượt đại học, làm người mẫu một thời gian ở quê nhà, tôi lên Sài Gòn lập nghiệp. Hành trang lúc ấy là 500.000 đồng và một chiếc xe máy trị giá sáu triệu. Nhiều lúc, trong túi tôi chỉ có vài chục ngàn đồng”, diễn viên kể.
Bố là giảng viên Đại học Cần Thơ, con trai trượt đại học, sự cam chịu của bố khi bạn bè hỏi “thằng Trường học trường nào” khiến anh quyết tâm cai game. “Từ đó, tôi không bao giờ chơi game. Tôi quyết tâm học ở trường đời, đầu tiên là học cách đối nhân xử thế, sau đó tự thu nạp kiến thức qua việc đọc sách”.
Gần đây khi phong trào sống xanh lan rộng, cái tên Mão “mèo” gắn kèm ống hút tre cũng theo đó mà phổ cập. Nguyễn Văn Mão (32 tuổi, quê Tân Kỳ, Nghệ An) hiện là chủ của 4 xưởng sản xuất ống hút tre kiếm gần 10 tỷ đồng mỗi tháng cũng từng trải qua thời gian trượt đại học.
Một năm ôn lại, anh đỗ ĐH Vinh. Giống như một ám ảnh tâm lý, từ năm 2008 - 2018, Nguyễn Văn Mão quen mặt tại các trường thi thêm 9 lần nữa với số điểm trung bình trên 20 điểm. Anh từng học 4 trường ĐH gồm: ĐH Kiến trúc - Đà Nẵng, ĐH Thủy lợi - Hà Nội, ĐH Kiến trúc - Hà Nội và ĐH Công đoàn - Hà Nội. Năm nay, Mão vẫn đăng ký dự thi khoa Thương mại điện tử của ĐH Thương mại (Hà Nội).
Giải thích về sự cố chấp này, anh Mão cho biết: “Thi Đại học với mình là một đam mê vì nhờ những kiến thức ôn thi mà đầu óc mình nhanh nhẹn hơn, cảm giác như mọi thứ vẫn như ngày xưa. Mình không cần ôn thi, gần như không quên quá nhiều bài học dù sách vở có thể thay đổi chút ít theo các năm. Mình muốn trở thành tấm gương cho những người đi thi Đại học lần thứ 2, lần thứ 3... đang bị nản chí bởi dư luận xung quanh. Họ có thể nhìn theo gương của mình, đi thi nhiều lần, không sao hết. Mặc dù khi đi thi ngồi cùng các bạn cách gần hai thế hệ nhưng mình vẫn cảm thấy bình thường. Mình mong muốn mọi người có thể nhìn nhận một cách nhẹ nhàng, không bao giờ là quá muộn để học tập và thi cử”.
Doanh nhân trẻ Trần Thanh Phúc từng là học sinh cá biệt thi đại học được 7 điểm ba môn