Trả lời:
Viêm loét dạ dày - tá tràng là một trong những bệnh khá phổ biến. Tùy theo các vị trí của viêm và loét khác nhau mà có các tên gọi là viêm dạ dày, viêm loét hang vị, viêm loét bờ cong nhỏ, viêm loét tá tràng...
Hình minh họa
Điều này có nghĩa, phương pháp điều trị viêm loét hang vị cũng tương tự như điều trị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Theo như trong thư thì bạn đã bị loét hang vị 5 năm, chữa trị nhiều nhưng không khỏi. Bạn không nói rõ là đã điều trị ở đâu, bằng phương pháp nào, dùng những thuốc gì... nên chúng tôi không dám chắc là phương pháp điều trị bệnh của bạn có đúng không, vì bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng phải tìm được đúng nguyên nhân gây bệnh thì việc điều trị mới hiệu quả.
Hiện nay, có nhiều phương pháp cũng như các thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng cho kết quả rất khả quan. Bạn nên đi khám chuyên khoa tiêu hoá, làm các xét nghiệm cần thiết... để được bác sĩ chuyên khoa kê đơn điều trị đúng.
Bạn cần tuân thủ nghiêm chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị. Không được bỏ thuốc giữa chừng, cũng như không được tự ý thay đổi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ngoài dùng thuốc thì thói quen sinh hoạt và ăn uống cũng đóng vai trò trong hiệu quả điều trị bệnh.
Trước tiên, bạn cần giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, tránh lo âu, căng thẳng; không nên làm việc quá sức; không thức khuya. Tiếp theo, điều quan trọng là bảo đảm vệ sinh ăn uống: nên ăn chín, uống sôi; hạn chế thức ăn béo, chiên xào, đồ ăn quá mặn; kiêng tuyệt đối rượu, bia, chất chua cay, thuốc lá, trà đặc, cà phê... vì các chất này dễ làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
Như vậy, để bảo đảm sức khoẻ, cũng như bệnh không tiến triển nặng thêm, bạn nên tránh dùng các thực phẩm có vị chua như cam, chanh, mơ, bưởi chua, măng cụt, xoài chua, dưa muối, cà muối... Nên dùng trứng, sữa (và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, kem...) vì thực phẩm này vừa giàu chất dinh dưỡng vừa trung hòa lượng axit.
Ngoài ra, nên chọn những thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày như gạo nếp, bột sắn, bánh mì... Riêng khoai lang không nên ăn nhiều, nhất là khi đói vì sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng.