Ngư trường cạn kiệt
Số lượng tàu đánh bắt hải sản Kiên Giang hiện còn trên 10 ngàn chiếc, giảm khoảng 2 ngàn chiếc so với năm 2013. Việc giảm một số lượng lớn tàu trong một thời gian ngắn như vậy, theo lý giải của nhiều người, nguyên nhân chính là do ngư trường cạn kiệt, đánh bắt không hiệu quả.
Ông Hoàng Thịnh - một người từng làm nghề biển lâu năm nói: “Cách đây chừng 30 năm chỉ cần ra đến Hòn Tre, Hòn Lại Sơn, xa lắm là quần đảo Nam Du là đã tha hồ cá tôm, muốn thứ gì có thứ đó. Ăn toàn những loại hải sản cao cấp. Cá tạp chỉ có đi làm phân bón. Giờ thì nhiều loại cá đã bị tuyệt chủng. Ngay cả cá phân cũng trở nên khan hiếm”.
Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - ông Nguyễn Văn Tân, người được mệnh danh là “Anh hùng biển cả” khi có 20 năm (1976 -1996) công tác tại Cty Quốc doanh đánh cá Kiên Giang, sau đó là Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang (nay đã nghỉ hưu) nói: “Ngày xưa, nguồn lợi thủy sản của mình dồi dào lắm. Chỉ cần đánh từ quần đảo Thổ Chu đánh vào, xa lắm thì ra vùng Côn Sơn, nam Côn Sơn đi vài ngày là cá đã đầy ghe. Hồi đó, tàu nước ngoài còn đến vùng biển Kiên Giang khai thác. Một số ngư dân Thái Lan còn tuyên bố chỉ cần đánh 3 chuyến trót lọt, Việt Nam có lấy không con tàu thì cũng đã có lời. Chúng tôi phải xua đuổi, bắt biết bao nhiêu tàu vi phạm của nước ngoài, trong đó có cả tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng biển mình”.
Trước đây, tỉnh cấm tuyệt đối đánh bắt gần bờ để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Thậm chí đã có dự án làm rạn san hô để cân bằng sinh thái. Bây giờ, các kiểu đánh bắt như xung điện, cào bờ, xiệc mé, thuốc nổ… đã hủy diệt nguồn lợi thủy sản từ trong trứng nước.
Rủi ro, nguy hiểm
Khi chúng tôi đặt câu hỏi có bao nhiêu phần trăm các tàu đánh bắt xa bờ trong tổng số 4.200 chiếc đang khai thác ở nước ngoài, ông Lê Hoàng Khải, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi, thủy sản Kiên Giang chỉ cười, nói: “Chúng tôi chỉ cấp phép cho ngư dân đánh bắt trên vùng biển Kiên Giang. Không cấp phép cho bất kỳ một chiếc nào hoạt động đánh bắt ở nước ngoài cả”.
Ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội nghề cá Kiên Giang nói rằng, dù biết những vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Thái Lan, Malaysia ẩn chứa nhiều rủi ro, hiểm nguy, nhưng một số chủ tàu cá vẫn đến khu vực này đánh bắt. Trên vùng biển Tây Nam, nhất là những vùng biển chồng lấn đã xuất hiện những băng nhóm câu kết với nhau để làm tiền ngư dân với các thủ đoạn như: Bắt ngư dân mua vé “bảo kê đánh bắt” trên biển. Nếu không chịu mua vé thì sẽ tổ chức vây bắt để buộc chủ tàu phải bỏ tiền, thường thì 2-3 tỷ đồng/mỗi cặp, để chuộc tàu về.
Cách đây 2 năm, công an tỉnh Kiên Giang phá một đường dây “bảo kê ngư trường” do Nguyễn Hùng Phi cầm đầu. Điều tra cho thấy, từ năm 2010 đến 2012, Phi đã câu kết với một người nước ngoài tên là Richky để đưa tàu Việt Nam qua Indonesia đánh bắt. Theo đó, mỗi cặp tàu được bảo kê có vé là 12.820 USD/tháng. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, đường dây này đã đưa hơn 1.100 cặp tàu qua Indonesia đánh bắt, chuyển ra nước ngoài hơn 519 tỷ đồng từ tiền “bán vé ngư trường” và tiền chuộc tàu.
Tìm lối ra
Đại tá Phạm Văn Sáng - Chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh Biên phòng Kiên Giang nói rằng, các nước gần đây làm rất mạnh tay, với tình trạng khai thác hải sản trái phép. Indonesia tiêu hủy phương tiện ngay trên biển, thậm chí phạt tù người vi phạm…
Anh hùng lao động Nguyễn Văn Tân cho rằng, ngư trường Kiên Giang vô cùng rộng lớn với 63 ngàn km2, nhưng hiện chỉ còn khai thác hiệu quả ở vùng quần đảo Thổ Chu trở ra. Để tái tạo nguồn lợi thủy sản, cần phải cấm triệt để đánh bắt gần bờ, nhất là mùa sinh sản; xử phạt thật nặng, thậm chí bỏ tù đối với các đối tượng đánh bắt kiểu hủy diệt.
“Thủy sản là một ngành rộng lớn, để quản lý và phát triển tốt cần tách ra khỏi Bộ Nông nghiệp, thành lập Bộ Ngư nghiệp. Có như thế mới chuyên sâu, mới giải quyết được nhiều việc, mới tập trung lo cho ngư dân. Bởi, chính ngư dân họ mới làm nên chủ quyền biển đảo”, ông Tân nói.