Bộ KH&ĐT vừa có văn bản báo cáo phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ KH&ĐT, có 3 kịch bản để xây dựng dự án tốc độ cao trên trục Bắc – Nam gồm: Nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại có tốc độ khai thác 80-90km/h tàu khách và 50-60km/h tàu hàng; Nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa khai thác chung tàu khách và tàu hàng có tốc độ 200km/h và Nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại tốc độ 70km/h cho tàu khách địa phương và tàu hàng. Đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa chỉ khai thác cho tàu khách có tốc độ 320km/h, tốc độ thiết kế 350km/h.
Bộ KH&ĐT đưa ra phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan, chiều dài hàng nghìn km, tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam khoảng 200km/h mang lại hiệu quả. Nếu tính đến các yếu tố khác như sự hợp lý của hướng tuyến, giảm chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao thì tổng mức đầu tư sẽ tiếp tục giảm. Với tốc độ khai thác 200km/h, thời gian di chuyển giữa Hà Nội - TP.HCM khoảng 8 giờ là khá hợp lý.
Theo đại diện Bộ KH&ĐT, phương án tối ưu là nâng cấp tuyến đường sắt cũ để chở hàng hóa và đầu tư mới một tuyến đường sắt tốc độ cao để chuyên chở khách. Như tại Hà Lan, Chính phủ nước này đã không thực hiện việc nâng cấp tuyến đường sắt Dusseldorf - Amsterdam từ 200km/h lên 300km/h vì chi phí vận hành tăng từ 1,8 tỉ euro lên 3,4 tỉ euro và không phát huy tối đa hiệu quả.
Trước đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng phương án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại phục vụ chở khách địa phương và chở hàng hóa. Đồng thời đầu tư mới tuyến đường sắt tốc độ cao đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ chạy tàu 320km/h, tổng vốn xây dựng lên tới 1.344.459 tỉ đồng (khoảng 58,7 tỉ USD). Thời gian dự kiến xây dựng khoảng 30 năm, từ 2020 - 2050.