“Thủy xa” có bến neo đậu
Lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, tàu thuyền và nay là nhà nổi, thuyền nổi hoạt động trên Hồ Tây đã tồn tại từ nhiều năm qua. Do hoạt động không ổn định nên hầu hết phương tiện hoạt động trong tình trạng tạm bợ, vị trí đỗ không đúng quy hoạch. Điều này đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường mặt nước Hồ Tây. Cùng với đó, an ninh, trật tự cũng khó quản lý, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.
Hồ Tây lâu nay được xem là thắng cảnh tự nhiên, điểm đến của nhiều du khách khi về Thủ đô. Với nhân dân Hà Nội, Hồ Tây còn được mệnh danh là “lá phổi xanh của thành phố”. Do vậy, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, quận phải có nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị. Bằng các chính sách, phương án linh động, vừa qua quận Tây Hồ đã thực hiện xong tuyến đường dạo xung quanh Hồ Tây. Có tuyến đường này, càng làm giá trị cảnh quan của Hồ Tây được nhân lên. Nhiệm vụ tiếp theo của lãnh đạo quận là sắp xếp, di chuyển các loại phương tiện hoạt động trên mặt nước về khu vực đã có quy hoạch. Theo đó, vừa qua UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ cho quận Tây Hồ xây một bến thủy nội địa cho phương tiện thủy neo đậu. Cụ thể, trong Văn bản số 50, lãnh đạo UBND thành phố đã giao UBND quận Tây Hồ xây bến thủy tại vị trí đã được Quy hoạch Thủ đô xác định là Đầm Bảy (phường Nhật Tân) cho toàn bộ tàu thuyền trên hồ neo đậu; các Sở: GTVT, QH-KT, Công an thành phố… phối hợp với quận Tây Hồ thực hiện nhiệm vụ trên.
Doanh nghiệp cam kết di dời
Nói về phương án xây bến thủy nội địa tại khu vực Đầm Bảy, ông Đỗ Hùng Vương, Phó trưởng Ban Quản lý Hồ Tây - đơn vị được UBND quận Tây Hồ giao thực hiện phương án di chuyển cho biết, trên cơ sở hiện trạng các tàu thuyền, nhà chờ, bến đợi, cầu dẫn của doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên Hồ Tây, Ban đã lập ra phương án sắp xếp cho các phương tiện tại bến thủy nội địa mới. Cụ thể, theo phương án của kế hoạch trên, toàn bộ bến thủy nội địa tại khu vực Đầm Bảy được chia làm 2 khu vực. Khu vực một, bố trí 5 cầu tàu, trong đó 4 cầu tàu cho tàu thuyền các DN neo đậu, 1 cầu tàu làm bến cứu hộ cho Ban Quản lý Hồ Tây; khu vực 2: Bố trí các sàn nổi, các phương tiện chưa đủ điều kiện hoạt động được di chuyển về chờ đăng ký đăng kiểm hoặc sẽ phải thanh thải.
Căn cứ thực trạng hoạt động của phương tiện thủy trên Hồ Tây, hiện khu vực đường Thụy Khuê, đoạn giáp vườn hoa Lý Tự Trọng là đoạn có nhiều thuyền nổi, sàn nổi hoạt động nhất. Theo khảo sát, tại đây hiện có nhiều phương tiện thủy và sàn nổi của bốn DN chủ quản. Các DN này gồm: Cty Cổ phần nhà nổi Hồ Tây (thương hiệu tàu, sàn Nàng Tiên Cá); Cty CPDL Thương mại Tây Hồ (thương hiệu du thuyền Hồ Tây); Cty CP Dịch vụ Hồ Tây (thương hiệu tàu, sàn Potomac); Cty TNHH Nhuận Mai (thương hiệu tàu và sàn Tây Long). Do số lượng tàu thuyền nhiều; quy mô hoạt động lớn nên lâu nay, hoạt động của tàu thuyền, nhà nổi tại khu vực này có nhiều phức tạp, gây bức xúc xã hội. Vậy nên, trong kế hoạch di chuyển các phương tiện thủy về khu vực Đầm Bảy, trong khoảng thời gian từ 20 đến 30/4 quận Tây Hồ thực hiện di chuyển các phương tiện ở đường Thụy Khuê về.
“Ý thức được việc di chuyển về bến có quy hoạch, tàu thuyền sẽ được hoạt động ổn định, lâu dài nên khi nhận được thông báo của quận, phần lớn các DN chủ quản tại khu vực đường Thụy Khuê đã hưởng ứng chủ trương. Hiện có trên 90% DN hoạt động tại đây cam kết di chuyển phương tiện thủy về khu vực Đầm Bảy trước 30/4. Sau mốc thời gian này, lãnh đạo quận sẽ có phương án xử lý cụ thể với tàu thuyền của những DN chưa di chuyển”, ông Vương nhấn mạnh.
Thu ngân sách Quý I đạt gần 50% kế hoạch năm
Theo kết quả thực hiện nhiệm vụ tiêu kinh tế - xã hội quý I/2016, quý vừa qua, quận Tây Hồ đạt số thu ngân sách trên 630,658 tỷ đồng, bằng 47,9% kế hoạch năm; giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 20,2% kế hoạch năm, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực: trật tự xây dựng, đô thị, văn hóa, giáo dục, y tế… đang có những chuyển biến tích cực.