Để nuôi dưỡng da mặt, nên đắp dưa leo tươi vì giúp da mịn màng nhờ có chất “dung môi sinh vật” đẩy mạnh quá trình trao đổi chất, làm giãn mao mạch trong da khiến cho tuần hoàn máu thuận lợi
Dưa leo tên là thanh qua, hồ qua (dưa non vỏ xanh), huỳnh qua (dưa chín vàng). Dân gian còn gọi dưa leo là dưa chuột. Theo đông y, dưa leo tính lạnh, vị ngọt, tác động vào các kinh tì, vị, đại tràng. Dưa leo có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chỉ khát; chữa các chứng thấp nhiệt như kiết lỵ, phù thũng. Dưa leo hơi khó tiêu nếu không nhai kỹ, tránh ăn lúc trời mưa ẩm thấp hoặc mới ốm dậy. Kinh nghiệm dùng dưa leo để ăn và làm thuốc đã có trên 4.000 năm ở Ai Cập và Ấn Độ.
Quả nhỏ tốt hơn quả to
Thành phần trong 100 g dưa leo gồm có: nước (95%), đạm (0,8%), đường (3%), chất xơ (0,7%), canxi (23 mg), phốt pho (27 mg), sắt (1 mg), vitamin A (0,3 mg), vitamin B1(0,03 mg), vitamin B2 (0,04 mg), vitamin PP (0,1 mg), vitamin C (5 mg). Ngoài ra còn có selen, lưu huỳnh, mangan, i-ốt, kali, chất nhầy. 100 g dưa leo cung cấp 16 calo.
Quả dưa nhỏ, vỏ càng xanh càng chứa nhiều hàm lượng biotin vốn là chất bổ dưỡng da; quả nhỏ còn có lượng vitamin C và selen cao hơn nhiều so với quả to. Vitamin C và selen có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống bệnh tật. Vì vậy các nhà khoa học khuyến cáo trong trồng trọt nên chú trọng tăng số lượng quả hơn là tạo quả to. Dưa leo thuôn dài dưới 20 cm, cuống nhỏ có chất lượng tốt nhất.
Theo tây y, dưa leo có tác dụng lọc máu, lợi tiểu, bài sỏi, hòa tan axít uric và muối urat giúp phòng chống bệnh thống phong (gút), an thần, hạ sốt; chữa một số bệnh ngoài da như nếp nhăn, nứt nẻ, da mốc, tàn nhang, da nhờn. Để nuôi dưỡng da mặt, nên đắp dưa leo tươi vì giúp da mịn màng nhờ có chất “dung môi sinh vật” đẩy mạnh quá trình trao đổi chất, làm giãn mao mạch trong da dẫn đến tuần hoàn máu được thuận lợi.
Một số cách chế biến và tác dụng của dưa leo
1. Thức ăn khai vị: Gừng giã nhuyễn, cho nước sôi vào, chắt lấy nước gừng trộn với dưa leo xắt mỏng. Món này còn có thể dùng cho người lo ngại dưa leo lạnh gây đầy bụng.
2. Nước dưa leo: Dưa leo 1 quả, táo 1 quả, nước chanh 20 g, mật ong 20 g, cà rốt 1 củ. Ép các loại củ quả rồi cho mật ong, nước chanh trộn đều. Món ăn nhiều sinh tố này bồi bổ sức khỏe vào mùa hè, chống mỏi mệt, uể oải.
3. Trẻ em bị lỵ mùa hè: 10 quả dưa leo non xắt nhỏ, nấu với mật mía; hoặc dưa leo muối nấu lấy nước, nấu cháo cho trẻ ăn.
4. Canh trị bệnh thống phong (gút): Dưa leo 1 quả, bỏ ruột xắt mỏng, mộc nhĩ 1 nắm, muối 2,5 g, dầu vừng 25 g. Mỡ và xì dầu một ít vừa đủ. Xào mộc nhĩ trước, cho dưa leo vào sau, nêm gia vị.
5. Cháo thuốc chữa động kinh: Lấy 50 g dưa leo non đun lấy nước, cho 50 g tiểu mạch vào, nấu cháo nhừ, thêm 15 g đường phèn.
6. Lợi tiểu, tiêu phù: Dưa leo xắt lát, nấu sôi với ít giấm, ăn cả cái lẫn nước.
7. Xúp dưa leo muối: Dưa leo muối 200 g xắt hạt lựu, thịt bò nạc 200 g xắt hạt lựu, tỏi 3 g, hành 3 g, cần tây 10 g, dầu ô-liu 5 g, gia vị chanh tiêu. Món này ăn ngon và mát vào mùa hè.
8. Chống tích mỡ, giảm béo: Hằng ngày lấy 120 g dưa leo tươi xắt miếng hoặc xắt sợi, trộn dầu giấm, gia vị để ăn như một món salad. Dưa leo nghèo năng lượng, do đó ăn nhiều còn có tác dụng giảm cân.
9. Dưa leo làm mỹ phẩm: Lấy 2 lát dưa leo nghiền nhuyễn, trộn thêm 1 lòng đỏ trứng cút, 1 thìa dầu ăn, 1 thìa mật ong, trộn đều thành hỗn hợp mịn dẻo, cho vào tủ lạnh 30 phút. Trước khi đi ngủ thoa lên mặt, để 30 phút đến 1 giờ thì rửa sạch và chờ khô trước khi nằm. Cách làm này có tác dụng dưỡng da, chống khô da.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn