Làm chuối VietGap lãi tiền tỷ

Anh Phạm Năng Thành và các sản phẩm chuối VietGap.
Anh Phạm Năng Thành và các sản phẩm chuối VietGap.
TP - Trong khi nhiều nông dân ở “thủ phủ chuối” Khoái Châu (Hưng Yên) đang đứng ngồi không yên bởi giá chuối rớt thê thảm do phía Trung Quốc ngừng thu mua,  vườn chuối của gia đình anh Phạm Năng Thành luôn giữ mức giá cao ngất ngưởng. Bí quyết của anh chính là trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGap.

Nhiều gia đình trồng chuối tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) khi được hỏi về giá chuối năm nay đều lắc đầu ngao ngán trước thông tin phía Trung Quốc ngừng thu mua. “Mấy năm gần đây, thương lái đến tận vườn đặt mua trước. Bất kể chuối đẹp, xấu đều được thu mua hết. Nhưng năm nay đến giờ vẫn chưa thấy có động tĩnh gì. Giá chuối hiện xuống chỉ còn khoảng 2-3 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình đã bắt đầu chặt chuối để trồng các loại cây khác”, ông Nguyễn Văn Chuyển (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu) chia sẻ.

Theo thống kê, huyện Khoái Châu có khoảng hơn 600 ha trồng chuối, trong đó chủ yếu là chuối tiêu hồng. Đây cũng được coi là thủ phủ chuối của cả miền Bắc với sản lượng ước đạt 24 nghìn tấn mỗi năm. Chuối cũng được coi như là một sản phẩm mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở vùng đất này.

Sự phát triển nhanh chóng diện tích trồng chuối tạo ra khó khăn cho việc tiêu thụ. Tuy nhiên, có một cơ sở trồng chuối ở đây vẫn bán và thu mua với giá khoảng 8 nghìn đồng/kg, gấp gần 3 lần so với giá thị trường. Đó là người thanh niên 36 tuổi Phạm Năng Thành ở thôn Ninh Tập (xã Đại Tập, Khoái Châu). Chuối Thành thu mua phải là loại chuối được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Phạm Năng Thành khẳng định, đến bây giờ anh vẫn không lo đầu ra cho chuối mà chỉ lo người dân trồng chuối có quyết tâm và dám chuyển sang trồng theo VietGap hay không?

Thay đổi cách làm

Phạm Năng Thành chỉ học hết cấp 2 ở vùng quê nghèo thuộc huyện Khoái Châu. Anh sớm phải lăn lộn với cuộc sống bằng đủ thứ nghề nhưng chưa khi nào anh hết nguôi ngoai khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2000, khi có khoảng hơn 10 nghìn m2 đất vườn của gia đình để lại, anh đã đầu tư trồng các loại cây có múi như bưởi, cam.

Đến năm 2004, anh quyết định chuyển sang trồng chuối như nhiều người dân nơi đây nhưng luôn trăn trở làm thế nào để phát triển thị trường cho sản phẩm này. “Muốn vậy, sản phẩm mình phải thơm, ngon, mẫu mã đẹp và làm sao để không phải phụ thuộc bất cứ thị trường nào”, Thành tâm sự.

Từ đó, Thành học hỏi những người đã từng trồng chuối, hỏi ý kiến các nhà khoa học mỗi khi họ về địa phương tập huấn, hội thảo về trồng chuối. Vụ đầu anh lãi 50 triệu đồng nhưng vụ sau cả gia đình anh lại mất trắng do cơn bão tháng 5/2005. Không nản chí, anh thay đổi lại thời gian trồng, khoảng cách giữa các cây và sử dụng hệ thống dây chằng để… chiến đấu với bão.

Đặc biệt, năm 2006, khi biết Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hưng Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả triển khai mô hình trồng thử nghiệm chuối tiêu hồng bằng công nghệ nuôi cấy mô, anh đã mạnh dạn và áp dụng trên toàn bộ diện tích chuối nhà mình cho năng suất cao hơn 3-4 lần so với trước đây.

Nhưng thay đổi lớn nhất đối với vườn chuối của anh là việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGap trong quá trình trồng, thu hoạch và bảo quản chuối. Hiện nay, diện tích chuối của gia đình anh Thành đã được mở rộng lên hơn 30 ha và toàn bộ đều được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap. Hệ thống nước tưới tự động được cấp đến từng gốc chuối. Việc bón phân, phun thuốc trừ sâu, bóc tỉa lá đều được thực hiện đúng lịch. Hiện nay, anh Thành đang giảm dần phân bón hóa học mà dùng tới 70% là phân bón hữu cơ để tăng độ thơm, ngon của quả chuối.

Dân không mua thì… xuất khẩu

Ban đầu, những quả chuối từ vươn của anh Thành mang ra chợ bán chẳng mấy ai mua vì… đẹp quá. Những quả chuối vàng ruộm, đều chằn chặn, mượt mà, láng bóng. Ai cũng sợ chắc đây là chuối Trung Quốc hoặc có xử lý bằng hóa chất thì mới được như vậy. Nhưng khi đưa lên mạng internet, khách nước ngoài lại rất thích. Nhiều khách hàng ngoại quốc đã về tận vườn nhà anh Thành để xem quy trình trồng, chăm sóc của anh và đều trầm trồ về chất lượng quả. Kiểm tra các thông số, độ an toàn đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Từ những bạn hàng đầu tiên người Hàn Quốc, đến nay trang trại chuối Tân Thuận Thành của Phạm Năng Thành đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác như Nga, Ai Cập, Malaysia… Theo tính toán, mỗi tháng hiện nay anh Thành xuất khẩu khoảng 200 tấn sang các thị trường này và tiếp tục mở rộng sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Ngoài ra, các thị trường trong nước tiếp tục được anh khai thác triệt để bằng chất lượng và mẫu mã luôn vượt trội. Sản phẩm chuối của Tân Thuận Thành đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn trong cả nước. Hàng năm, chuối đã mang lại cho anh doanh thu khoảng 7-8 tỷ đồng, trừ chi phí anh có lãi khoảng 1-3 tỷ đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho mình, anh đang muốn nhiều người dân trong thôn, xã học tập cách làm của anh để xây dựng nguồn cung ổn định trong thời gian tới. Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình như anh Phạm Hải Hưng, Nguyễn Văn Thụ ở thôn Ninh Tập đã bắt đầu chuyển dần sang trồng chuối theo VietGap với diện tích từ 7-10 ha… Khát khao có một cách làm mới góp phần tạo nên thương hiệu, bảo đảm thị trường ổn định, nâng cao giá trị kinh tế cho vùng chuối Khoái Châu của người thanh niên trẻ tuổi Phạm Năng Thành đang dần trở thành hiện thực.

MỚI - NÓNG