Làm bao năm lũ quét sạch một giờ

Làm bao năm lũ quét sạch một giờ
TP - Một ngày sau khi lũ tràn qua, phóng viên Tiền Phong có mặt tại Sơn Kim 2 (Hương Sơn, Hà Tĩnh), tận thấy những cảnh đau lòng.

> 15 người chết, mất tích do bão lũ
> Hà Tĩnh: Lũ nhấn chìm 3 huyện miền núi
> Miền Trung thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng vì bão số 11

Các con đường vào hai thôn Làng Chè và Thượng Kim, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn mới được khơi thông. Hai bên đường từng đống gỗ trộn lẫn trong bùn gác ngổn ngang. Từ tờ mờ sáng, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, Võ Văn Phúc đã tất bật chỉ đạo các đoàn cứu trợ phải vào xã Sơn Kim 2 để cứu đói cho dân.

Tờ mờ giờ sáng, vượt hơn 20km trong bùn lầy, PV Tiền Phong có mặt tại hai thôn Làng Chè và Thượng Kim. Con đường vào trụ sở UBND xã khô rang không ai nghĩ nơi đây nước lũ vừa ghé thăm. Tuy nhiên, không khí bên trong trụ sở lại nhộn nhịp cảnh người đang bốc vác hàng trăm thùng mỳ tôm, nước khoáng để xuống cứu đói cho dân. Theo chiếc xe của các chiến sỹ bộ đội Biên phòng để vào Làng Chè, cách trụ sở ủy ban hơn 1km, mới thấy cảnh tượng hoang tàn.

“Gom góp mấy năm trời dựng được căn nhà, chỉ 30 phút là xong cả rồi”, vợ chồng anh Đặng Văn Huy khóc nấc bên đống gỗ, ngói gãy đổ ngổn ngang. Cũng như bao gia cảnh nghèo thôn quê, vợ chồng anh Huy chắt chiu từng đồng làm thuê đi chặt cây keo hằng ngày để nuôi 3 con ăn học. Sau bao năm chắt chiu, cách đây 3 năm, vợ chồng anh quyết định vay thêm tiền ngân hàng dựng căn nhà cấp bốn đơn sơ để có chỗ chui vào chui ra. Nợ ngân hàng chưa trả hết, nhà anh chị đã tan tành.

Từ bao năm nay, người dân thôn Làng Chè sống hiền hòa bao bọc bởi con sông Khe Chè. “Khoảng hơn 7 giờ, trời đổ mưa, mực nước sông bắt đầu dâng. Ít phút sau nghe tiếng rầm rầm phía trước, cây cầu phía sông bị nước cuốn phăng. Từng tiếng răng rắc ở cột nhà phát ra. Và thế là đổ sập xuống, may là hai vợ chồng sống sót”, chị Nguyễn Thị Lan (vợ anh Huy) nhớ lại.

Tối qua, hai vợ chồng phải tá túc nhà hàng xóm. Xót của, người vợ thẫn thờ chui vào từng đống đổ nát nhặt lại những chiếc bát vỡ. “Ba đứa con tuổi ăn tuổi học, giờ mảnh vải che thân còn phải nương nhờ người khác, lợn gà chết chỏng chơ bên gốc cây. Biết bao giờ vợ chồng tôi mới kiếm lại được ngôi nhà và đồ đạc như trước đây”, anh Huy nói. Như vậy, sơ sơ ban đầu, gia đình anh Huy mất trắng gần 100 triệu đồng.

Cách nhà anh Huy khoảng vài chục mét, tiếng khóc ai oán của người phụ nữ cứ vọng ra trong chiếc lều xiêu vẹo. Cạnh đó, người chồng già buồn bã không thiết ăn uống gì nữa. Đó là tình cảnh của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tân, bà Đặng Thị Liên.

Từ hôm qua đến nay, bà Liên bỏ ăn, ôm lấy chiếc cột lều khóc than vì nước lũ cướp mất 30 triệu đồng tiền mặt của gia đình. Ông Tân kể, khi dòng nước đục ngầu ầm ầm đổ về, vợ chồng ông lo vớt đồ đạc vứt lên sàn nhà. Khi nhớ ra số tiền 30 triệu để ở góc giường thì đã muộn. Chiếc giường cũng chẳng còn nữa.

Cạnh nhà ông Tân, vợ chồng anh Đặng Như Quý đội mưa nhặt nhạnh từng cánh quạt bị nước cuốn trôi lẫn trong từng gốc chè, gốc bưởi. “Thế là trắng tay hết rồi”, anh Quý buồn bã.

Sạt lở kinh hoàng QL 8A

Chiều qua, PV Tiền Phong có mặt tại Km72, cách Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo chừng 2km, hơn 300m đường bị nước lũ cuốn sập xuống vực sâu. 300 người đang làm việc tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo bị cô lập. Từ thị trấn Tây Sơn lên Cửa khẩu có gần 20 điểm sạt lở. QL 8A phải tắc hơn 10 ngày nữa mới có thể hoạt động trở lại. Đến chiều qua, bốn huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, hàng ngàn người dân đang chìm trong biển nước. Các hệ thống chính quyền đang ra sức cứu trợ cho người dân qua khỏi cảnh màn trời chiếu đất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG