Làm báo điều tra phải chấp nhận khổ và cô đơn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo nhà báo Phùng Công Sưởng – Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, mảng phóng sự điều tra đã từng có quá khứ huy hoàng, làm nên tên tuổi của nhiều tờ báo. Thế nhưng ngày nay càng ít người theo lĩnh vực này, không ít tờ báo cũng không còn mục phóng sự điều tra.

Ngày càng ít người chọn theo lĩnh vực điều tra

Ngày 16/3, rất nhiều nhà báo, sinh viên báo chí và bạn đọc đến tham dự, nghe chuyên đề về Phóng sự điều tra – Hành trình làm điều có ích diễn ra trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024, tổ chức tại TPHCM.

Tại đây, những câu chuyện từ hơi thở cuộc sống, những góc khuất của người làm báo điều tra đã được người trong cuộc chia sẻ. Có đớn đau, vất vả nhưng cũng đầy kiêu hùng khi những bài phóng sự điều tra góp phần làm nên hành trình những điều có ích cho xã hội.

Làm báo điều tra phải chấp nhận khổ và cô đơn ảnh 1

Nhà báo Phùng Công Sưởng – Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong.

Chia sẻ tại buổi nói chuyện chuyên đề, nhà báo Phùng Công Sưởng – Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - cho biết, báo chí điều tra trong quá khứ đã từng rất huy hoàng, đặc biệt trong giai đoạn báo chí số chưa phát triển và các nền tảng công nghệ còn chưa tác động nhiều đến hoạt động báo chí. Trong những giai đoạn từ thập niên 80 của thế kỷ trước đến khoảng năm 2010, hầu như mỗi ngày mở các trang báo ra, độc giả đều thấy được những bài, loạt bài điều tra đình đám có tác động sâu rộng đến xã hội.

Ở miền Bắc tiêu biểu với các tờ báo như: Tiền Phong, Lao Động, Đại Đoàn Kết; Công An Nhân Dân… Ở miền Nam với những tờ như: Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động; Công An Thành phố, Pháp luật Thành phố; Sài Gòn Giải Phóng…

Trên các kênh của VOV, VTV, chúng ta cũng thường xuyên được xem những tác phẩm điều tra nóng hổi, các chuyên mục, chương trình có tính thời sự, tính vấn đề và hội đủ các kỹ năng tác nghiệp gây ấn tượng mạnh cho người xem, người nghe.

Làm báo điều tra phải chấp nhận khổ và cô đơn ảnh 2

Phóng sự điều tra đường dây bóng cười trên báo Tiền Phong

Tuy nhiên sự bùng nổ của công nghệ đã tác động toàn diện và sâu sắc đến thể loại điều tra tại các cơ quan báo chí. Nhiều tờ báo “nổi danh”, nhiều năm đã đóng đinh trong lòng bạn đọc bởi các tác phẩm điều tra nay đã thưa thớt những tác phẩm nổi bật, chất điều tra của tác phẩm đã dần nhạt nhoà; nhiều cơ quan báo chí đã tham gia vào cuộc đua tốc độ thông tin nên đã bỏ quên hoặc coi nhẹ thể loại điều tra.

Ngày càng ít người chọn theo lĩnh vực điều tra bởi nhiều lý do. Do tâm lý ngại khó, ngại khổ và sợ cô đơn; bạn đọc rất kén tác phẩm… Một số rủi ro các nhà báo điều tra thường hay gặp như sử dụng những tài liệu chưa được giải mật; thông tin sau khi kết luận không như báo nêu; tiếp cận thông tin từ các nguồn chưa được kiểm chứng; nhập vai trong quá trình tác nghiệp vượt giới hạn cho phép…

Nhà báo Phùng Công Sưởng đề xuất giải pháp, nhà trường tăng cường sự yêu thích thể loại phóng sự điều tra từ sinh viên báo chí; các cơ quan báo chí nhất là các cơ quan báo chí lớn, tuỳ điều kiện khôi phục lại nhóm, tổ, phòng ban chuyên về thể loại điều tra; có cơ chế chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập, nhằm khuyến khích những cây viết lĩnh vực này yên tâm công tác...

Bản lĩnh, tri thức và trình độ tác nghiệp

Nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng, báo chí hiện hoạt động như một doanh nghiệp tự chủ, không khuyến khích cho những tác phẩm dài hơi.

“Đây là mâu thuẫn giữa nhanh, tức thời “mì ăn liền” và sâu sắc, giá trị. Cơ quan nào cân bằng được 2 điều này đều có thông tin thời sự và thông tin sâu” – ông Sưởng nói.

Theo nhà báo Phùng Công Sưởng, các cơ quan báo chí cần tính toán đầu tư, cân đối nguồn lực của mỗi tờ báo. Với đa số cơ quan báo chí hiện nay chạy theo tin tức mà không đọng lại những phóng sự trong lòng bạn đọc. Ông Sưởng cũng bày lo ngại báo chí bị mạng xã hội dẫn dắt.

Nhà báo Hồ Chí – VTV24 kể lại câu chuyện điều tra, lúc làm thì không sợ nhưng khi lên sóng mới thấy… run. Lần đầu tiên làm phóng sự điều tra vào năm 2016 liên quan đến phá rừng, phát vào tháng 4 nhưng tới tháng 8 mới có thông tin nghi ngờ dàn dựng phá rừng.

“Điều buồn nhất là có những bạn học của mình viết bài đó. Tôi suy nghĩ rất nhiều nhưng tự nhủ, mình không dàn dựng, không làm sai thì không việc gì mình phải chứng minh. Tôi cho rằng các lãnh đạo đã giao việc cho nhân viên thì phải tin tưởng tuyệt đối” – nhà báo Hồ Chí nói.

Nhà báo Chu Trung Đức - kênh VOV giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ, dù mới theo dõi mảng đề tài về điều tra nhưng tin rằng làm điều tra sẽ mở ra nhiều kỹ năng cho người mới vào nghề, nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của nhiều đồng nghiệp.

“Phóng viên làm điều tra ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần vượt qua áp lực bị theo dõi, bị mua chuộc bằng rất nhiều tiền, thậm chí phải đánh đổi các mối quan hệ, khi đã có những vụ việc bị can thiệp từ các mối quan hệ thân quen..." – nhà báo Chu Trung Đức nói.

Làm báo điều tra phải chấp nhận khổ và cô đơn ảnh 3

Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh

Bằng những kinh nghiệm của bản thân, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân nhà báo Nguyễn Hồng Vinh bộc bạch, điều cả xã hội quan tâm là nhà báo mang lại gì cho xã hội, cho người dân. Theo ông Vinh, có lẽ để làm điều có ích tốt hơn nữa với nhà báo điều tra là cần có 3 phẩm chất: bản lĩnh, tri thức và trình độ tác nghiệp. Ngoài ra, họ phải khẳng định mình làm việc có ích cho xã hội, cho nhân dân. Do đó cần dấn thân và đi tới cùng vụ việc.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.