Một điều thú vị trong tập 11 của “Ký ức vui vẻ” là nhà báo Lại Văn Sâm không chỉ đảm nhận vai trò dẫn chương trình, mà còn kiêm luôn nhân vật đặc biệt trong câu hỏi đoán của đội thập niên 80.
Sự xuất hiện của ông sau tấm rèm sân khấu khiến những người chơi và khán giả ngỡ ngàng. Nhà báo 61 tuổi chia sẻ, khi được ban tổ chức đề nghị nhận vai trò mới, ông rất ngại, sợ không ai đoán ra bởi ông đang dẫn chương trình, dễ bị người chơi loại trừ, nhưng “Ơn giời, tôi cũng được đoán đúng”.
Nhân dịp này, cựu MC “Ai là triệu phú” có những trải lòng về thời thanh niên sôi nổi.
Ông kể, lần đầu tiên tiếp xúc với truyền hình vào năm 1987 sau khi ở Liên Xô về. Lúc đó, ông thử việc ở Phòng Thể thao của Đài truyền hình Việt Nam, với vai trò bình luận viên bóng đá, biên dịch bản tin thể thao tiếng Nga. Nhưng cộng tác đến gần hết năm, chàng trai Lại Văn Sâm vẫn không nhận được đề nghị vào làm chính thức.
Chán nản, ông rời đài về phụ việc, vừa bán hàng vừa dịch, cho mẹ vợ ở phố Đồng Xuân (Hà Nội). Ông không ngại, được mẹ vợ nuôi trong thời gian cuối năm 1987 đến 1988. Sau đó, ông được mời trở lại để bình luận cho giải bóng đá Euro 1988. Năm tiếp theo, đài truyền hình cho ra đời chương trình VKT (viết tắt của Văn hóa – Khoa học – Thể thao).
Theo Lại Văn Sâm, quãng thời gian đó rất nghèo. Năm 1989-1990, ông vẫn đi lại bằng chiếc xe đạp xuất xứ Liên Xô. “Nhiều khi cũng rất tủi thân. Có hôm đang đi đến đường Trần Phú, có người phóng xe máy qua và quay trở lại nói: “Tưởng VKT chúng mày thế nào, hóa ra thế này à”. Hồi đó chúng tôi có nói đùa, VKT là viết tắt ‘ví không tiền’…”, người dẫn chương trình kỳ cựu nhớ về thời kỳ khó khăn.
Năm 1989, ông chính thức nhận biên chế của VTV. Rồi trong năm, ông được cử sang Liên Xô để dịch cho đoàn học về truyền hình, nhờ đó mà có cơ hội học hỏi nhiều điều hơn. Năm 1995, Lại Văn Sâm tiếp tục được cử sang Pháp đào tạo về chương trình trò chơi truyền hình. Sau này khi về đến Việt Nam, chương trình đó mang tên “Trò chơi liên tỉnh”.
Từ một “tay ngang”, Lại Văn Sâm gắn bó cả cuộc đời với truyền hình, còn trở thành người đầu tiên mang các trò chơi truyền hình đến với khán giả Việt. “Tôi cảm ơn số phận. Tôi may mắn bởi vì tôi không học truyền hình. Cứ mày mò tự học, anh em bạn bè, rồi cứ phát phát triển lên thế thôi… Tôi không chọn cái nghề truyền hình, mà nghề truyền hình chọn tôi”, ông nói.
“Đôi khi vẫn nói đùa với các cháu ở thập niên 2000 là: Bọn cháu bây giờ rất sướng, nhưng mà không sướng bằng bọn chú đâu, bởi vì bọn cháu chưa biết khổ. Phải biết khổ thì mới biết sướng. Khi chúng ta trải qua những cái khổ rồi mới thấy giá trị của những cái sướng. Các cháu nhớ”, ông nhắn nhủ.
Sau những trải lòng của Lại Văn Sâm, nghệ sĩ Thanh Bạch và nghệ sĩ Hồng Nga đại diện cho các đội chơi của chương trình tri ân nhà báo/người dẫn chương trình kỳ cựu: “Anh Sâm là một nhân vật đã ghi dấu vào sự phát triển của truyền hình Việt Nam. Anh xứng đáng nhận cúp của chương trình, mà tất cả anh em chúng tôi dành tình yêu thương vào đó”.
Ca sĩ Thanh Duy cũng bày tỏ tình cảm với người chú đáng kính: “Con chưa bao giờ gặp chú ở bên ngoài, nhưng qua tất cả những số mà mình đã làm cùng nhau, con nhận thấy một điều, chú là một người rất cảm thông. Chú cảm thông với từng thế hệ. Chú là người truyền cảm hứng rất lớn đối với con. Con nghĩ, sau này nếu con có lớn hơn đi chăng nữa, thì con vẫn sẽ nhìn những thế hệ tiếp theo đó bằng ánh mắt trìu mến và thông cảm cho những lỗi lầm…”.
Lúc này, nhà báo Lại Văn Sâm không kìm nén được cảm xúc và nghẹn ngào khóc trên sân khấu.
“Con người ta chắc chắn phải có lỗi lầm trong cuộc đời. Điều quan trọng là chúng ta phải biết nhìn nhận với con mắt bao dung và hãy tha thứ. Có một bài hát của Nga rất hay, trong đó có câu hát mà tôi luôn lấy làm triết lý sống.
Nội dung câu hát kể về một người đàn ông giống như tôi: Chúng ta đã chơi hết hiệp 1 của cuộc đời, tức là đã đi qua một nửa cuộc đời rồi, mới chợt nhận ra một điều không phải lúc nào chúng ta cũng biết hết về mình. Và hãy nhớ rằng, nếu như bạn muốn không bị biến mất trên trái đất này, đừng bao giờ tự đánh mất mình… Chúng ta có thể tha thứ và hãy sẵn sàng tha thứ cho bạn bè về mọi lỗi lầm, chỉ duy nhất một điều không thể tha thứ - đó là sự phản bội”, những lời tâm sự sâu sắc từ Lại Văn Sâm.