Lại tranh luận cách tân áo dài

TP - Câu chuyện mặc áo dài cùng váy đụp hồi đầu năm được xới lại trong tọa đàm về áo dài, một số diễn giả nêu quan điểm muốn cách tân thế nào cũng phải “nhìn ra cái áo dài”.

Nhầm lẫn văn hóa

Tại tọa đàm “Áo dài Việt-Từ lịch sử đến đương đại” tại khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên nhóm Đình làng Việt cho rằng hiện tượng nhầm lẫn văn hóa khá phổ biến thời gian qua. Đó không chỉ là việc bưng sư tử canh lăng mộ của Trung Quốc bày ở di tích và các công trình Việt, mà gần đây chính là trang phục gây tranh cãi “áo dài mặc với váy đụp”.

Nhiều người viện dẫn tư liệu cho rằng phụ nữ thời xưa mặc váy ở nhà, khi nhà có khách khoác chiếc áo dài ra để thể hiện sự trang trọng. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách khẳng định không hề có chuyện đó, bộ trang phục gây tranh cãi kia đơn giản chỉ là bộ áo dân tộc Choang nhập từ Trung Quốc sang.

Lại tranh luận cách tân áo dài ảnh 1 Giới nghiên cứu và dư luận ngày càng quan tâm khôi phục áo dài nam và cách tân áo dài. Ảnh: Bảo Hân.

Không rõ thời điểm khởi nguồn của áo dài, tuy nhiên một số nhà nghiên cứu-trong đó có Trần Quang Đức tác giả công trình “Ngàn năm áo mũ”-thừa nhận bắt đầu từ thời Nguyễn có nhiều tranh vẽ và ảnh chụp lại cho thấy sự phổ biến, từ vua chúa tới ông ăn mày, cả nam lẫn nữ đều mặc áo dài. Họ mặc áo dài trong đời sống, tuy nhiên vào dịp lễ trọng sẽ khoác áo thụng bên ngoài để không lộ quần và thể hiện sự trang trọng. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách kể, thời xưa thậm chí vua mặc y phục hành lễ mà lộ quần lập tức bị các ngự sử có ý kiến, còn các quan lại sẽ bị trách phạt.

Gần đây dư luận xôn xao việc diễn viên phim Thương nhớ ở ai mặc yếm không nội y. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nói thêm về sự nhầm lẫn của nhiều người về điều này: “Yếm ngày xưa thường hai lớp, rất dày chứ không hớ hênh như bây giờ”. Ông cho rằng, khi còn là thiếu nữ trong làng họ mặc áo tứ thân, khi có chồng và thay đổi địa vị xã hội họ chuyển sang mặc áo năm thân. Chiếc yếm không còn được dùng để che thân, khi này có tác dụng thít phần ngực áo. Chiếc áo dài nam lẫn áo dài nữ trải qua nhiều thăng trầm và xu hướng cách tân gây nhiều tranh cãi.

Cách tân hay lai tạp?

Cách tân áo dài là đề tài tranh luận sôi nổi ở nhiều diễn đàn thời gian qua, dưới nhiều góc độ từ nhà thiết kế tới nhà nghiên cứu và người dân. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nêu quan điểm muốn cách tân kiểu gì cũng được nhưng ít nhất “nhìn vào phải biết đó là áo dài, phải thấy nhân dáng, nữ tính, mềm mại chứ đừng phá tinh thần áo dài”. Ông kể từng có thời tà áo quá ngắn, quần bó nhưng sau trông giống áo Hồi nên các cụ chỉnh sửa từng chút để áo dài nữ trông uyển chuyển hơn.

Ông Nguyễn Đức Bình lấy dẫn chứng một loạt áo dài nam cách tân và cho rằng đó là áo dài mới, hoàn toàn không phải cách tân. “Bởi những chiếc áo dài đó không chứa đựng tinh hoa áo dài truyền thống. Đàn ông Việt vốn khiêm nhường có xu hướng thu mình nhưng hiện nay áo dài nam quá phô trương, may sặc sỡ rồi in rồng in phượng. Không những thế nếu chiếc áo đó bỏ hết họa tiết đi lại nhìn ra áo dài nữ”. Ông Bình cho rằng những chiếc áo dài đó mặc theo xu hướng thời trang thì dễ chấp nhận, nhưng nếu trở thành lễ phục thì không thể được. Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho rằng nhiều thợ may áo dài hiện nay không hiểu gì về áo dài: Nguyên tắc áo dài nam không chiết eo, may thẳng xuống rõ chất nam tính. Áo dài hiện nay đánh mất chất nam tính.

Không đồng tình với điều này, nhà văn Trương Quý nêu quan điểm, không nên đặt vấn đề phân biệt giới tính quá bởi có thời “pop hóa” áo dài. Không nên chỉ chăm chăm có một loại, có thể cách tân đa dạng nhưng chỉ cần không mất đi tính truyền thống. “Tôi muốn có sự bình đẳng giữa các dòng áo dài. Tuy nhiên chúng ta cũng nên có cuốn sách dạng như kim chỉ nam, cung cấp kiến thức thế nào là vạt áo nam, áo nữ để mọi người không bị nhầm lẫn đồng thời tôn vinh bản sắc Việt trong tà áo dài”, nhà văn Trương Quý nói. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nhìn nhận người Việt ở Mỹ mặc âu phục thường ngày nhưng dịp lễ tết gần đây mặc áo dài nhiều. Đại diện nhóm Đình làng Việt cũng nêu quan điểm “thời trang có thể thay đổi nhưng lễ nghi thì không”.

“Tôi muốn có sự bình đẳng giữa các dòng áo dài. Tuy nhiên chúng ta cũng nên có cuốn sách dạng như kim chỉ nam, cung cấp kiến thức thế nào là vạt áo nam, áo nữ để mọi người không bị nhầm lẫn đồng thời tôn vinh bản sắc Việt trong tà áo dài”.

 Nhà văn Trương Quý 

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.