Lãi suất trái phiếu cao hơn gửi tiết kiệm

TPO - Các ngân hàng đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm. Theo đó, lãi suất trái phiếu cao nhất lên 7,9%/năm.

Trái phiếu ngân hàng là một trong những kênh đầu tư an toàn với mức sinh lợi hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác ở thời điểm hiện tại. Theo ghi nhận, nhiều ngân hàng đã và đang phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn với lãi suất cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.

Mới đây, Agribank chào bán 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2024 với lãi suất tham chiếu cộng 2%/năm, tổng gần 7%/năm. HDBank phát hành lô trái phiếu phát hành ra công chúng có kỳ hạn 7 năm, lãi suất được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 2,8%/năm, tổng khoảng 7,5%/năm…

BVBank cũng chuẩn bị chào bán lô trái phiếu có thời hạn 6 năm với lãi suất năm đầu tiên cố định cao nhất lên 7,9%/năm. Từ năm thứ 2, lãi suất trái phiếu 7,2%/năm trở lên.

Lãi suất trái phiếu cao hơn gửi tiết kiệm ảnh 1

Trái phiếu ngân hàng lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm nay, trong tổng số 110.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ, tổ chức tín dụng chiếm 63,2% với 69.600 tỷ đồng. Về cơ cấu nhà đầu tư, tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chiếm 94,8% khối lượng phát hành, tập trung vào các tổ chức tín dụng (53,5%) và công ty chứng khoán (21,9%). Còn lại các nhà đầu tư cá nhân mua khoảng 5,2%. Bộ này cũng cho biết, các đợt phát hành có lãi suất bình quân 7,41% một năm, kỳ hạn trung bình 3,78% năm.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định trái phiếu ngân hàng là một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả nếu so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường ở thời điểm hiện tại. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng của ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 4,7%/năm, các ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 5-5,5%/năm.

Trái phiếu ngân hàng và gửi tiết kiệm tương tự nhau vì bản chất đều là cho ngân hàng vay tiền và ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi trên khoản tiền đó. Việc nhận tiền khi đáo hạn cũng tương tự rút tiền từ tài khoản tiết kiệm sau khi hết hạn gửi.

Ông Võ Đại Lược - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới - cho biết so với nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là bất động sản, trái phiếu ngân hàng được nhìn nhận ở mức độ khá an toàn. Bởi vậy dù nhóm tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu kỳ hạn tương đối dài, khoảng 3-5 năm với lãi suất 5-6% nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư.

Vị chuyên gia nhìn nhận việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là phù hợp với ngân hàng. Theo đó, các nhà băng có thể hạn chế bớt rủi ro gia tăng về chi phí vốn đầu vào khi lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại.

Về tác động với thị trường chung, sự thúc đẩy phát hành ở nhóm ngân hàng góp phần tạo nên sự hồi phục của trái phiếu sau nhiều vụ vi phạm gây đổ vỡ niềm tin.

Tuy nhiên, ông Lược cho rằng kênh trái phiếu cần được thúc đẩy tốt hơn bởi các nhóm ngành khác, trong đó có bất động sản. Nếu là sân chơi chủ yếu cho ngân hàng thì tác dụng của kênh huy động vốn này chưa được phát huy triệt để, tạo sức lan tỏa trong quá trình phục hồi nền kinh tế.

Ngoài ra vị chuyên gia cũng nhắc nhở nhà đầu tư, đối với trái phiếu do bất kỳ tổ chức nào phát hành, kể cả ngân hàng cũng cần được nhận thức đầy đủ các rủi ro về khả năng chậm thanh toán cùng các cam kết khác.

MỚI - NÓNG