Lãi suất tiết kiệm tăng sau Tết

Lãi suất tiền gửi tại một số nhà băng nhích lên sau Tết. Ảnh: Anh Tú.
Lãi suất tiền gửi tại một số nhà băng nhích lên sau Tết. Ảnh: Anh Tú.
So với trước Tết Nguyên đán, lãi suất ở một số ngân hàng hiện tăng thêm 0,1-0,3% tuỳ kỳ hạn, chưa kể các khoản lì xì, tặng quà, dự thưởng...

Chị Hồng (quận Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ, sau Tết Nguyên đán vợ chồng chị còn khoản tiền thưởng chưa dùng hết, cộng với số tiền mừng tuổi của con, nên đã gom lại đi gửi tiết kiệm. Theo chị, gửi dịp này không những được lì xì đầu năm mà lãi ngân hàng cũng cao hơn khoảng 0,3% so với trước Tết.

Khảo sát cho thấy, ngay sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, không ít ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng lên 0,1 - 0,3%. Theo đó, từ ngày 12/2, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng biểu lãi suất mới ở một số chương trình khuyến mãi theo hướng tăng lãi suất kỳ hạn dài.

Cụ thể, khách hàng gửi tiết kiệm mới kỳ hạn 12 tháng tại nhà băng này sẽ được hưởng lãi suất là 8,3% mỗi năm, tăng 0,2% so với trước Tết Nguyên đán. Lãi suất gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng cũng lên tới 7,65% một năm kèm quà tặng...

Tương tự, biểu lãi suất huy động mới nhất của Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) áp dụng từ 11/2 cũng có điều chỉnh tăng vài kỳ hạn. Theo đó, người gửi tiền 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất 6,3% một năm, thay vì mức 6% mỗi năm như trước đó. Các kỳ hạn khác tăng thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất trước. Kỳ hạn 12 tháng cũng được điều chỉnh tăng lên mức 6,6% một năm và nếu khách hàng gửi từ 3 tỷ đồng trở lên, lãi suất là 7% một năm.

Giai đoạn cuối năm Âm lịch, thực tế nhiều ngân hàng đã có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động để hút khách gửi tiền. Theo đó, các ngân hàng như ACB, VPBank... đã cộng thêm 0,1-0,3% mỗi năm cho tiền gửi VNĐ ở một số kỳ hạn.

Bên cạnh việc tăng lãi suất, nhà băng cũng liên tục tung ra chiến dịch khuyến mãi kèm theo để hút vốn như gửi tiền càng lớn, lãi càng cao; quay số dự thưởng, tặng quà lì xì đầu năm bằng các vật dụng tiêu dùng...

Nhìn nhận về vấn đề này, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần phía Nam cho rằng, trước Tết một lượng tiền được các công ty rút ra chi lương thưởng, còn người dân thì chi tiêu, mua sắm... Do đó, đây là giai đoạn các ngân hàng phải đưa ra những chính sách hấp dẫn về lãi suất, khuyến mãi... để hút lại nguồn vốn. Ngoài ra, theo ông, việc tăng nhẹ lãi suất cũng là nhằm cân đối lại cơ cấu vốn hợp lý hơn.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5-1% mỗi năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới một tháng; 4,5-5,5% một năm đối với tiền gửi từ một đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5% mỗi năm cho kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3% một năm.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất.

Cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cân đối vốn giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG