Lãi suất cho vay có thể giảm còn 10%

Lãi suất cho vay có thể giảm còn 10%
TP - Phát biểu tại hội thảo quốc tế Dự báo và Chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam - Tư duy chiến lược của nhà quản trị 2013-2015 ngày 30-11, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết, lạm phát xuống thấp là cơ sở để tuần tới Chính phủ họp bàn cân nhắc khả năng chỉ đạo giảm lãi suất.

> Ngân hàng dụ khách mua nhà cuối năm
> Ngân hàng cho vay như… cưới vợ

Theo ông Muôn, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trong khi lãi suất cho vay trung bình 12-15% là quá cao.

Việc lãi suất còn cao, dù CPI đã giảm, có nguyên do nợ xấu tại các ngân hàng còn quá nhiều, tỷ lệ cao, nên ngân hàng phải để dư địa khoảng 4% nhằm bù đắp vấn đề nợ xấu.

Theo ông Muôn, trong bối cảnh lạm phát thấp như hiện nay, lãi suất huy động lý tưởng vào khoảng 7,5-8%, cộng thêm 2,5-3% chi phí, ngân hàng hoàn toàn có thể cho vay với lãi suất 10%.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý doanh nghiệp không nên trông mong gì nhiều từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, mà phải tìm đến các nguồn vốn khác, do thu chi ngân sách đang trong tình cảnh khó khăn.

“Chính phủ có họp bàn phải đưa lãi suất hạ xuống. CPI giảm thì lãi suất cũng phải giảm. Lãi suất huy động xuống cỡ khoảng 7,5-8% thì sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và mới có cơ hội để phục hồi”, ông Muôn nói.

Xử lý hai vấn đề lớn của nền kinh tế

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2012, Việt Nam đối mặt một số khó khăn như hàng tồn kho cao, nợ xấu ngân hàng tăng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, các vấn đề xã hội đáng lo ngại gia tăng….

Theo TS Kiên, những vấn đề lớn đối nền kinh tế phải xử lý trong năm 2013 là tiếp tục xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng thương mại cổ phần. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hết sức quan trọng, cần giải quyết đồng bộ.

Năm 2013 cần tạo được sự chuyển biến tích cực hơn trong giải quyết nợ xấu, tìm biện pháp cụ thể với từng loại nợ xấu, đồng thời rà soát thực trạng hoạt động của các ngân hàng, làm rõ vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống cũng như xử lý các sự việc cố ý làm trái để thu lợi.

Trong quá trình tái cơ cấu, phải vừa đảm bảo thanh khoản, chính sách tín dụng, huy động, cho vay, điều hành lãi suất hợp lý, không làm lạm phát tăng cao.

“Trong năm tới, dự toán phân bổ ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản giảm nên phải tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia. Phải tập trung vốn cho trả nợ xây dựng cơ bản hoàn thành và các dự án hoàn thành trong năm 2013. Hạn chế khởi công mới các dự án, công trình, đồng thời quản lý chặt các khoản chi chuyển nguồn, chỉ cho phép chuyển nguồn đối với một số khoản chi thật sự cần thiết”, ông Kiên kiến nghị.

Theo TS Patrick Dixon, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu và tư vấn xu thế toàn cầu Globechange cho rằng, vấn đề quan trọng nhất để tạo động lực phát triển cho Việt Nam là những người lãnh đạo sẽ làm gì và làm thế nào để nắm bắt xu thế toàn cầu, nhìn thấy trước những lợi thế trong hội nhập kinh tế quốc tế và có năng lực thu hút các dự án công nghiệp tại Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.

“Vấn đề nữa là làm sao Việt Nam thúc đẩy được sự phát triển của thị trường nội địa như trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản hay chăm sóc sức khỏe. Phải xác định được đâu là điều kiện tiên quyết giúp Việt Nam xuất khẩu được không chỉ hàng hóa mà cả dịch vụ và ngành công nghiệp phần mềm một cách hiệu quả”, ông Dixon nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.